Bão 12 đổ bộ đất liền Phú Yên - Bình Thuận
Đời sống - Ngày đăng : 13:37, 03/11/2017
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 12 là cơn bão di chuyển nhanh, cường độ mạnh nên hoàn lưu bão mở rất rộng.
Từ sáng sớm mai (4/11), trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 9-11, giật cấp 14, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11.
Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ngày mai, miền Đông Nam Bộ có gió giật cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Sóng biển có thể cao 7m, 380.000 dân cần phải di dời gấp.
Vị trí của bão số 12 lúc 10 giờ sáng nay. Ảnh: NCHMF
Hồi 10 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 22 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, khoảng sáng sớm mai (04/11) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14, sau đó suy yếu dần.
Đến 10 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão nằm trên đất liền ven biển các tỉnh Nam Phú Yên-Bắc Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Từ hôm nay (3/11), do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Từ ngày 4 đến 8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên.
Hình ảnh vệ tinh về cơn bão số 12
Chủ động ứng phó với mưa bão, các tỉnh nam Trung Bộ đã lên các phương án phòng chống cụ thể. Các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa đã ra lệnh cấm biển, di dời dân đến nơi an toàn, kêu gọi các tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.
Tại tỉnh Phú Yên, ông Phạm Trung Chánh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết sáng (3/11), địa phương đã điều động một số ôtô tuyên truyền lưu động, phát loa thông báo người dân vùng trũng thấp ven sông, vùng nguy cơ sạt lở cao chuẩn bị sơ tán đến vùng cao an toàn trước khi bão số 12 đổ bộ.
Tại tỉnh Cà Mau, nơi chịu sự tàn phá nặng nề của cơn bão Linda cách đây vừa tròn 20 năm, công tác phòng chống bão vẫn còn lúng túng, người dân chằng chống nhà cửa còn chậm, chưa đúng kỹ thuật, chính quyền địa phương cần tích cực hỗ trợ, hướng dẫn bà con, đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ.
Ngoài ra, việc các tàu thuyền neo đậu ở các cửa biển còn lộn xộn, chưa đảm bảo an toàn, do đó lực lượng chức năng cần khẩn trương hướng dẫn người dân đậu, đỗ thuyền bè trật tự, ưu tiên tàu cứu hộ, cứu nạn dễ dàng di chuyển khi tình huống xảy ra.