Thầm lặng gieo mầm cho sự sống hồi sinh: Bài 2 - Chữa trị cho bệnh nhân bằng cả tấm lòng
Bằng lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, nhiều năm qua, đội ngũ y, bác sĩ ở Khoa Phong - Da liễu, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai - Nghệ An) luôn nỗ lực xoa dịu nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần cho các bệnh nhân, đem lại sự hồi sinh nơi mảnh đất này.
Bằng lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, nhiều năm qua, đội ngũ y, bác sĩ ở Khoa Phong - Da liễu, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai - Nghệ An) luôn nỗ lực xoa dịu nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần cho các bệnh nhân, đem lại sự hồi sinh nơi mảnh đất này.
Mặc dù căn bệnh phong đã được đẩy lùi nhưng hàng chục năm qua, trong tâm trí của nhiều người nó vẫn gây ra sự ám ảnh. Nó dường như đã trở thành định kiến trong xã hội mặc dù đây là bệnh khó lây và nếu được phát hiện sớm, có thể chữa trị mà không để lại di chứng.
Định kiến của xã hội đã khiến cho các bệnh nhân phong tự tách mình với thế giới bên ngoài. Nó tạo ra bức tường vô hình ngăn cản những người không mang bệnh bước qua cánh cổng "trại phong", và người bệnh bên trong cũng không dám bước ra ngoài.
Thế nhưng, có những con người đã vượt lên tất cả mọi khoảng cách, góp phần xóa bỏ những định kiến sai lệch về bệnh phong. Bác sĩ trẻ Đặng Trung Sỹ, ngay từ khi mới ra trường đã quyết định bỏ lại sự nhộn nhịp của phố phường để đến với Trại phong Quỳnh Lập phục vụ, chăm sóc những người bệnh.
Hơn 20 năm công tác tại đây, bác sĩ trẻ này luôn được đồng nghiệp và bệnh nhân yêu quý và xem như người thân trong gia đình. Anh luôn tâm niệm, các bệnh nhân điều trị di chứng phong là người thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm nên anh muốn dành nhiều thời gian điều trị, quan tâm thăm hỏi để bù đắp phần nào nỗi đau mà họ đang gánh chịu.
Khi được hỏi vì sao lại chọn làm việc và gắn bó suốt đời với bệnh nhân phong, bác sĩ Sỹ tâm sự: “Thực ra khi mới học ra trường có rất nhiều lựa chọn, có rất nhiều nơi để làm việc nhưng tôi quyết định gắn bó với bệnh viện phong.
Nơi đây cũng là quê hương của tôi nên tôi muốn góp chút sức lực nhỏ bé để làm thay đổi quan niệm của xã hội về bệnh phong, chỉ mong sao bệnh nhân phong sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Theo bác sĩ Sỹ, tuy sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh phong không còn nặng nề như trước, nhưng thực tế, nhiều bệnh nhân phong vẫn chưa vượt qua được mặc cảm này và họ rất khó để hòa nhập cộng đồng. Ngay cả khi đưa bệnh nhân từ trại phong về các bệnh viện trên thành phố điều trị, có nhiều bác sĩ vẫn tỏ vẻ e dè trong quá trình tiếp nhận và điều trị.
Vậy nên, điều mà bác sĩ Sỹ mong muốn đó là cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bệnh phong, để những bệnh nhân không may mắn ấy bớt mặc cảm và tự tin hòa nhập cuộc sống hơn.
Bên cạnh đội ngũ các bác sĩ thì các điều dưỡng chính là những người gắn bó mật thiết, gần gũi nhất với các bệnh nhân phong, đặc biệt là đối với những bệnh nhân nặng cần chăm sóc toàn diện.
Một ngày của điều dưỡng Nguyễn Thị Lưu bắt đầu từ lúc 5h sáng. Khi mặt trời còn chưa mọc, các cụ già tại khu điều trị nội trú lục đục thức dậy, đây cũng là lúc chị bắt tay công việc của mình.
Đây là khoa điều trị nội trú cho bệnh nặng với 160 bệnh nhân, hoàn toàn không có người nhà bệnh nhân, nên ngoài việc thực hiện các y lệnh của bác sĩ, các điều dưỡng ở khoa phải chăm sóc bệnh nhân như chính người thân của mình.
Có người không còn bàn tay, có người lại mất bàn chân, không thể tự phục vụ sinh hoạt nên mọi việc từ vệ sinh cá nhân cho đến ăn uống, lau rửa vết thương đều do một tay các điều dưỡng, hộ lý giúp đỡ.
Đối với những người mới tiếp xúc ban đầu, chắc chắn không tránh khỏi cảm giác sợ hãi, nhưng với các điều dưỡng, đây là công việc quen thuộc mỗi ngày. Đối tượng phục vụ của nghề là người bệnh, những người thường xuyên phải chịu đau đớn vì bệnh tật, sức khỏe yếu.
Hơn ai hết, người bệnh cần được chăm sóc bằng cả tình yêu thương, sự thấu hiểu. Có những lúc không tránh khỏi buồn lòng, mệt mỏi, áp lực trong công việc nhưng nghĩ đến người bệnh đau đớn, mọi người nơi đây đều cố gắng hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Lưu cho biết: “Bệnh nhân phong là những người chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Chính vì vậy, chúng tôi bằng tấm lòng của những người làm nghề y, quan niệm việc chăm sóc họ không chỉ là trách nhiệm mà còn là vì tình thương, sự chia sẻ và thấu hiểu. Và qua đây cũng mong rằng, xã hội sẽ xóa bỏ sự kì thị để cho họ có thể tự tin và hòa nhập với cộng đồng”.
Được sự quan tâm đầu tư của Bộ Y tế, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tỉnh có người bệnh Phong, sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước và những nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo cùng viên chức, lao động nên những khó khăn dần được khắc phục, bệnh viện được nâng cấp về mọi mặt, đời sống của cán bộ và người bệnh phong được cải thiện và dần đi vào ổn định.
Từ một nơi hẻo lánh, Trại phong Quỳnh Lập nay đã trở thành một Bệnh viện Trung ương tầm cỡ. Đến nay bệnh viện có 22 khoa, phòng chức năng, 297 viên chức lao động với trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Hiện nay, đơn vị có 2 cơ sở ở xã Quỳnh Lập và phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tổ chức khám và điều trị đa khoa cho tất cả các đối tượng bệnh nhân.
Tập trung điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh phong, các đơn vị đã tiếp nhận trên 3.000 bệnh nhân phong, điều trị khỏi bệnh và xuất viện trên 1.700 bệnh nhân, trong đó có 540 quân nhân, 373 cán bộ, viên chức, 93 bệnh nhân quốc tịch Lào, trên 1.000 lượt bệnh nhân được phục hồi tàn tật bằng phẫu thuật chỉnh hình, trên 3.500 bệnh nhân cụt chân được cấp chân giả và hàng ngàn bệnh nhân được cấp nạng nẹp, xe lăn…
Hàng ngàn người bệnh phong miền Bắc, người bệnh phong nước bạn Lào đã được cán bộ y tế Trại phong Quỳnh Lập giang rộng vòng tay bao bọc và nuôi dưỡng, từng viên thuốc, từng mũi tiêm, từng cử chỉ thân thương… như những liều thuốc “thần dược” xoa dịu bớt nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần mà những người bệnh nhân phong phải gánh chịu.
Khoa học đã chứng minh, phong không phải là căn bệnh di truyền, rất khó lây nhiễm, bệnh phong có thể chữa khỏi hoàn toàn và tránh được tàn phế, nếu điều trị sớm bằng đa hóa trị liệu. Với sự tiến bộ của y học và xã hội, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập không còn tiếp nhận bệnh nhân mới.
Tại đơn vị, bệnh nhân trẻ nhất là 26 tuổi - con của một bệnh nhân phong, bệnh nhân cao tuổi nhất đã 92 tuổi. Qua thời gian, số bệnh nhân giảm dần. Hiện tại, khu điều trị nội trú bệnh nhân phong còn 156 bệnh nhân, trong đó có 77 bệnh nhân phải chăm sóc toàn diện.
Cuộc sống của bệnh nhân nơi đây đang từng ngày đổi thay. Tình yêu đã nảy nở giữa những con người cùng hoàn cảnh, đồng cảm và thấu hiểu. Những căn nhà tròn đầy hạnh phúc của những bệnh nhân phong và con cháu của họ - thế hệ những người mạnh khỏe - cùng chung sống.
Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường như bất cứ ngôi làng nào, vùng dân cư nào. Làng phong Quỳnh Lập trở thành mái ấm chở che của hàng trăm hộ dân.
Những người bệnh vẫn nhẫn nại trên bước đường tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống và mơ ước lành lặn cho cơ thể cũng như tâm hồn. Họ gắng sức tạo lập một cuộc sống dù còn lắm gian truân.
Con, cháu họ, những đứa trẻ lớn lên từ mảnh đất trại phong được chăm sóc dạy dỗ tử tế, đã hòa nhập cộng đồng, vươn ra khỏi làng để trở thành những kĩ sư, bác sĩ, giáo viên.
Nhiều em trong số đó sau những tháng ngày đèn sách, đã trở về với làng phong trong vai trò thầy giáo hay thầy thuốc, cùng mọi người và cả cộng đồng xoa dịu nỗi đau chung...
Ðể đạt được kết quả như vậy, điều đáng nói đầu tiên chính là nhờ sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước với những chính sách và chương trình hành động cụ thể, nhờ nỗ lực của ngành y tế và địa phương với quyết tâm loại trừ bệnh phong ra khỏi cộng đồng.
Bệnh viện cũng đã chú trọng kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác điều trị, chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất của người bệnh với công tác hoạt động xã hội, làm cho các tổ chức xã hội ngày càng quan tâm hỗ trợ cho các hoạt động của bệnh viện. Nhất là mối quan hệ mật thiết, gắn bó với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Với trách nhiệm điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân phong, đội ngũ nhân viên trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và chăm sóc duy trì cuộc sống cho những bệnh nhân phong ở đây đã hạn chế những di chứng của bệnh, giúp bệnh nhân vượt qua những đau đớn về thể xác, giảm thiểu những bất tiện trong sinh hoạt và đặc biệt là sự chia sẻ về tinh thần đối với người bệnh.
Lặng lẽ nhưng dũng cảm đi qua bóng tối, hướng về phía mặt trời - nơi mà ánh sáng sẽ không bao giờ vụt tắt bởi nó được thắp lên bởi niềm tin, sự kiên nhẫn của con người với cuộc sống đầy khó khăn, thử thách.
Những bệnh nhân phong được nuôi dưỡng, chăm sóc ở viện đa số là bệnh nhân tàn tật nặng, mất sức trên 72% và phải chăm sóc toàn diện từ tắm giặt, ăn uống nên các y bác sĩ làm việc ở đây hết sức vất vả. Một điều nữa là nhân lực của chuyên ngành phong rất hiếm, vì thế những bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý khi về đây cống hiến làm việc phải nói là họ rất tuyệt vời. Họ không nặng về đồng tiền, hi sinh tất cả để phục vụ bệnh nhân”.
Ông Phạm Hoàng Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập
Loạt bài: Thầm lặng gieo mầm cho sự sống hồi sinh
Thực hiện: Gia Ân-Thanh Thủy