Đời sống

Bình Thuận tập trung giúp dân 'giải khát': Kỳ 3 - Chính quyền vào cuộc, mang nước đến cho dân

Sông Hương - Huỳnh Sang 28/09/2023 09:00

Đến tỉnh Bình Thuận, trên mọi nẻo đường, chúng tôi luôn cảm nhận được sự oi bức, khô hạn của thời tiết. Vậy nên, người dân Bình Thuận thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu nước, có những thời điểm thiếu nước đến mức trầm trọng...

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An tâm tư: “Giữ rừng cũng cho dân, mà giữ nước cũng cho dân. Dự án Hồ thủy lợi Ka Pét (Hồ Ka Pét) là giữ nước cho dân, góp phần tăng mực nước ngầm, bảo vệ hệ sinh thái, tăng cường độ ẩm và điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô. Mình chỉ nói một chiều, chỉ nói đến rừng thôi thì bao nhiêu số phận người dân, vật nuôi sẽ phải chịu cảnh khô hạn. Vậy nên, việc gì có lợi cho dân, khó mấy cũng phải quyết tâm làm, nhưng không phải làm bất chấp, không có khoa học”.

Chinh-quyen-tinh-binh-thuan-vao-cuoc-mang-nuoc-den-cho dan
Chính quyền tỉnh Bình Thuận quyết tâm vào cuộc để khắc phục tình trạng thiếu nước

Ông An nhấn mạnh thêm: Trách nhiệm của tỉnh là phải lo được nguồn nước cho dân. Qua nhiều nhiệm kỳ, tỉnh Bình Thuận vẫn tìm mọi cách, vừa xin Trung ương, vừa dùng nguồn lực địa phương để xây dựng hệ thống hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi (gồm các hồ chứa, đập dâng, trạm bơm và kênh tiếp nước), với tổng dung tích thiết kế hơn 362 triệu m3.

Tuy nhiên, nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất dự báo đến năm 2030 là rất lớn, lên đến hơn 1.169 triệu m3/năm, tổng dung tích thiết kế của các hồ nêu trên chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.

Mặt khác, các hồ thủy lợi lớn của tỉnh chủ yếu nằm ở khu vực phía Bắc; Khu vực phía Nam của tỉnh (gồm các huyện Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân và thị xã La Gi) chỉ có những hồ chứa nhỏ, nên thiếu trầm trọng nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, một số khu vực phải ngưng sản xuất nông nghiệp có thời hạn.

Toàn tỉnh hiện có 357.000 ha đất nông nghiệp và có 49 hồ chứa nước, với tổng dung tích chứa 442 triệu m3. Dung lượng của các hồ chứa nước hiện tại cộng với nguồn nước ở sông, suối khác chỉ đủ tưới cho khoảng 57.000 ha. Nếu tính toán 100 triệu m3 tưới được cho 10.000 ha, với 300.000 ha đất nông nghiệp còn lại sẽ phải cần đến 3 tỉ m3 nước/năm.

Vì vậy, tỉnh Bình Thuận đã có kế hoạch xây dựng dự án Hồ chứa nước Ka Pét (Hồ Ka Pét), để phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân. Đây là một trong những dự án thủy lợi được Nhân dân Bình Thuận nói chung, Nhân dân huyện Hàm Thuận Nam và các huyện lân cận nói riêng mong đợi từ nhiều năm qua.

Bi-thu-Tinh-uy-tinh-binh-thuan-duong-van-an
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận Dương Văn An trong buổi họp báo cung cấp thông tin về Dự án Hồ thủy lợi Ka Pét

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, Hồ Ka Pét đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) khảo sát, quy hoạch hồ ở vị trí này (Quyết định số 366 NN-QH/TL/QĐ ngày 26/12/1995 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt định hướng quy hoạch tổng quan cân bằng nước cho tỉnh Bình Thuận đến năm 2010), dự án này dự kiến đầu tư giai đoạn 1998-1999.

Năm 2006, Bộ NN&PTNT phê duyệt Quy hoạch thủy lợi sông La Ngà tại Quyết định số 3519/QĐ-BNN-KH ngày 17/11/2006. Qua đó, danh mục đầu tư có hồ La Ngà 3 với nhiệm vụ là tưới cho 39.000 ha; Trong đó chuyển nước vùng cao thượng nguồn sông Cà Ty thông qua Hồ Ka Pét tưới 20.000 ha.

Gần đây nhất là tại Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự án là hồ đầu tư mới có chức năng điều tiết liên vùng, tức là quy hoạch dự án có từ rất sớm. Tỉnh đã lập dự án để thực hiện từ năm 2010, không có vốn triển khai nên bị kéo dài.

Dù vậy, quá trình thẩm định hồ sơ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án được nghiên cứu, chuẩn bị đúng theo quy trình, được các Bộ ngành có liên quan, các chuyên gia phản biện góp ý nhiều lần và tổ chức kiểm tra khảo sát thực địa như: Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngày 26/11/2019, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14. Đến ngày 14/5/2020, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 541/TTg-NN giao nhiệm vụ chủ đầu tư và thực hiện dự án.

Tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha; Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm: Rừng đặc dụng là 137,95 ha; Rừng phòng hộ là 0,51 ha; Rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); Diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.

Dự án này khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; Cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II; Tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết;

Phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; Tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ.

Nguoi-dan-tinh-binh-thuan-dang-phai-song-trong-canh-thieu-nuoc-tram-trong
Người dân tỉnh Bình Thuận đang phải sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng

Khi trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam Nguyễn Văn Phúc vẫn đau đáu về các giải pháp, làm sao để có nguồn nước? Dù trước đó, tăng trưởng kinh tế của địa phương này đạt kết quả khá tốt. Nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng tập trung phát triển cây trồng chủ lực là thanh long, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đạt hiệu quả kinh tế. Phát triển mô hình nuôi biển tạo sinh kế cho ngư dân, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sản xuất công nghiệp cơ bản phát triển ổn định. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực, tiến bộ…

Những kết quả trên đã khẳng định sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn bộ Đảng bộ, vai trò lãnh đạo của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy và sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.

Còn hiện tại, đứng trước nguy cơ thiếu nước, gây ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là bảo đảm sinh kế cho người dân, chính quyền phải vào cuộc, phải tìm cách “giải khát” cho người dân.

chinh-quyen-chu-dong-phoi-hop-voi-nguoi-dan-tim-nguon-nuoc-cho-sinh-hoat-va-tuoi-tieu
Chính quyền xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam chủ động phối hợp với người dân tìm nguồn nước cho sinh hoạt và tưới tiêu

Rời khỏi căn phòng vẫn sáng đèn của ông Phúc, khi trời đã chập choạng tối, xung quanh vắng tanh, chúng tôi bước đi mà lòng trĩu nặng, lo rằng khách thập phương sẽ không còn được chiêm ngưỡng những vườn thanh long rực rỡ sắc màu, đẹp đến miên man, uốn lượn như những con sóng biển nữa rồi.

Bất chợt có tiếng gọi với từ phía sau, tôi quay lại, thấy vị Phó Chủ tịch UBND huyện vẫy tay từ ban công, cùng một lời nhắn gửi: “Mong các anh cùng đồng hành, sẻ chia với người dân, để họ có nước sinh hoạt và tưới tiêu”. Tôi mỉm cười đáp lại và tin rằng với sự đoàn kết, vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận, chắc chắn người dân sẽ sớm vượt qua “cơn khát” này.

Sông Hương - Huỳnh Sang