Nâng cao nhận thức về tình trạng tị nạn
Xung đột, nạn đói và biến đổi khí hậu đã khiến nhiều người phải bỏ nhà để tìm nơi an toàn. Liên hợp quốc ước tính có khoảng 35,3 triệu người buộc phải vượt biên trên khắp thế giới vào năm 2022.
Ngày 20/6 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Tị nạn Thế giới (World Refugee Day) - ngày lễ quốc tế dành để nâng cao nhận thức về tình trạng của những người tị nạn trên khắp thế giới.
Ngày Tị nạn Thế giới nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng tị nạn và hỗ trợ cho những người tị nạn trên khắp thế giới, làm nổi bật những khó khăn và thách thức mà người di cư phải đối mặt khi buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, ngược đãi hoặc những lý do khác nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Đây cũng là ngày để tôn vinh sự kiên cường và sức mạnh của những người tị nạn và ghi nhận những đóng góp của họ cho xã hội.
Ngày Tị nạn Thế giới được thành lập bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2000 và hiện được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày này là cơ hội để mọi người thể hiện tình đoàn kết và lên tiếng bảo vệ các quyền và hạnh phúc của người tị nạn, bao gồm khả năng tiếp cận các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm, chỗ ở và chăm sóc sức khỏe, cũng như các cơ hội giáo dục và việc làm.
Liên hợp quốc kêu gọi mọi người dành chút thời gian để tìm hiểu thêm về cuộc khủng hoảng tị nạn và tham gia các tổ chức hỗ trợ người tị nạn những lúc cần. Cùng nhau, chúng ta có thể giúp tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của những người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Nội dung và đồ họa: Hà Mai