Chính trị

Bài 3: Dư âm tích cực từ những quyết đáp hợp Hiến, hợp lòng dân

Mai Thoa-Trang Nhi-Nguyên Thảo-Nguyễn Dương 17/04/2023 15:03

Quốc hội khóa XV trải qua nửa nhiệm kỳ đã để lại nhiều dấu ấn đổi mới trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Quyết sách của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn, kịp thời hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

tit-chinh-bai-3.jpg
lts-2-.png
tit-phu-3.1.jpg

Quán triệt sâu sắc bài học, đồng thời cũng là chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV là "Quốc hội luôn có ý thức tự đổi mới để hoàn thiện mình", Quốc hội khóa XV đã chủ động, không ngừng tìm tòi các dư địa đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.

Lần đầu tiên Quốc hội tiến hành một kỳ họp bất thường và cũng là lần đầu tiên một kỳ họp của Quốc hội được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến cả kỳ, điều này tiếp tục thể hiện rõ nét hình ảnh một "Quốc hội hành động", chuyển mình mạnh mẽ "từ tham luận sang thảo luận, tranh luận" và đặt những nền tảng vững chắc, quan trọng để tiến tới một "Quốc hội hoạt động thường xuyên".

Đưa ra quyết định này cho thấy bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hơn hết là đặt người dân ở vị trí trung tâm của mọi quyết sách của Quốc hội. Bởi đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, khó dự báo, tạo thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế của các nước, tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân vô cùng lớn.

Đồng hành với Chính phủ trong quá trình này, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã thường xuyên có các buổi làm việc, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện đề nghị của các cơ quan hữu quan và việc bảo đảm chất lượng các nội dung để đi đến quyết định tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, cần thiết, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.

Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.

bam-nut.jpg
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường với nhiều nội dung mới.

Đặc biệt, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là dự án Luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền khám bệnh, chữa bệnh của người dân được Quốc hội thông qua đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, định hướng công tác quản lý, sự phát triển trước mắt và lâu dài của ngành y tế.

Chính sách này khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng; phát triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập với quốc tế. Quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh... là chính sách rất có ý nghĩa trong vấn đề bảo đảm an sinh xã hội.

Đây là dự án Luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền khám bệnh, chữa bệnh của người dân, nên đã được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện tại 3 kỳ họp. Quốc hội đã phân tích thấu đáo, kỹ lưỡng các nội dung của dự án Luật, các vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến việc bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình thảo luận và biểu quyết thông qua.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
BÙI VĂN CƯỜNG

Cũng trên quan điểm vì lợi ích nhân dân và đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, Quốc hội đã thông qua một số Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. Những chính sách này nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới.

dao-hong-lan-b3.jpg

Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, Bộ Y tế rất trân trọng sự thấu hiểu, sẻ chia và ban hành những quyết sách kịp thời của Quốc hội. Nhờ đó đã giúp ngành y tế có thể tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch một cách hiệu quả kịp thời và linh hoạt nhất. Từ đó, giúp chúng ta vượt qua được đại dịch Covid-19 vô cùng phức tạp, nguy hiểm; đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, góp phần ổn định chính trị và trật tự xã hội, phát triển kinh tế, duy trì được an sinh xã hội trong điều kiện có dịch và sau dịch… được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao và được người dân rất chia sẻ, ủng hộ.

"Một lần nữa, có thể nói, Nghị quyết số 30/2021/QH15 là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Quốc hội đã phát huy vai trò là người đại diện của nhân dân, tích cực, chủ động đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thể chế, cùng Chính phủ triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch. Đây là quyết định đúng đắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước nhân dân, chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân", người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.

khoi-1-11.jpg

Quyết đoán, quyết tâm và quyết định

Việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ; trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Quốc hội khóa XV đã 4 lần áp dụng quy định này.

Với Kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thể hiện tính chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt; thể hiện rõ ba "quyết" là quyết đoán, quyết tâm và quyết định - như khái quát ngắn gọn của người đứng đầu Quốc hội.

"Chúng tôi nhận thấy cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm, đánh giá cao những vấn đề được Quốc hội quyết định tại các kỳ họp bất thường. Như vậy, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành và Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), thời gian tới, Quốc hội sẽ có cơ sở vững chắc, tập trung nâng cao hiệu quả tổ chức các Kỳ họp bất thường. Tất nhiên, phải dựa trên nguyên tắc chỉ tổ chức kỳ họp bất thường với các vấn đề thực sự cấp thiết, đột xuất, được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín muồi, có sự đồng thuận, thống nhất cao", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

vuong-dinh-hue-b3.jpg

tit-phu-3.3.jpg

Trải qua 77 năm hình thành, phát triển, Quốc hội Việt Nam đã, đang hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày càng nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang đó, việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nhất là hoạt động lập pháp được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ, với những bước tiến hành thận trọng, chắc chắn, hiệu quả.

Những đổi mới thể hiện đồng bộ từ cải tiến quy trình đến cách thức tổ chức triển khai công việc, đề cao tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan liên quan; chuẩn bị, xem xét kỹ lưỡng từng dự án luật, nghị quyết từ sớm, từ xa dựa trên căn cứ khoa học, thực tiễn thuyết phục, cùng với đóng góp ý kiến tích cực của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân... hoạt động lập pháp của Quốc hội Khóa XV đã có những bước tiến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, các kỳ họp bất thường của Quốc hội đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra và đạt kết quả cao. Dù với thời gian rất ngắn nhưng các đại biểu, cơ quan thẩm tra,… đã làm việc tích cực không quản ngày đêm để tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng trình Quốc hội.

nga.jpg

Sự nỗ lực và kết quả các kỳ họp cũng đã được cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Trong báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2023, cử tri bày tỏ sự đồng tình và hoan nghênh Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường, trong đó đáng chú ý là kỳ họp lần thứ 4 để xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao, bầu Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Cử tri tin tưởng và kỳ vọng Chủ tịch nước sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại.

Cử tri cũng đồng thuận quan điểm, khi có những việc cần thiết, cấp bách, cần giải quyết sớm thì Quốc hội sẽ có thêm những kỳ họp bất thường khác bên cạnh 2 kỳ họp thường kỳ, với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, phục vụ cho phát triển đất nước, bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, không bị ách tắc; thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; thể hiện rõ tính chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt cũng như tầm nhìn xa, trông rộng và sự vào cuộc chuẩn bị từ sớm, từ xa của Quốc hội.

Từ góc độ của người làm nghiên cứu, giảng dạy pháp luật và cũng là một cử tri, PGS.TS Vũ Công Giao - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá rất cao cách điều hành của Quốc hội trong việc tổ chức các kỳ họp bất thường để giải quyết những vẫn đề cấp bách của đất nước.

Theo ông Giao, Quốc hội tổ chức 4 kỳ họp bất thường trong thời gian qua đã thể hiện tinh thần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Việc họp bất thường cũng giúp Đảng, Nhà nước xử lý kịp thời một số vấn đề phát sinh, đặc biệt là về công tác cán bộ.

Với việc tổ chức thành công các kỳ họp bất thường, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp "bất thường" trở thành hoạt động "bình thường" của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.

Tinh thần và kết quả của kỳ họp đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng với các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025 như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói "Quốc hội luôn tự hoàn thiện và đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn".

do-mau.jpg

Nội dung: Mai Thoa - Trang Nhi- Nguyên Thảo - Nguyễn Dương

Ảnh: Tư liệu, VGP, Văn phòng Quốc hội

Mai Thoa-Trang Nhi-Nguyên Thảo-Nguyễn Dương