Thuê thám tử theo dõi có phạm luật?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 08:19, 15/07/2019
Dịch vụ thám tử tư - thuê người theo dõi, thu thập thông tin bí mật đang được sử dụng rất nhiều, từ trong việc kinh doanh tới chuyện gia đình. Tuy nhiên dịch vụ này có hợp pháp hay không thì ít người biết được.
Trao đổi với báo Công lý, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Công ty Luật TAT Law firm đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh tính chất pháp lý của dịch vụ thuê thám tử theo quy định của pháp luật hiện hành:
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể điều chỉnh các hoạt động thám tử tư. Các quy định liên quan về hoạt động này nằm rải rác trong các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rất rõ về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Theo đó, điều luật quy định “1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ….”
Điều 18 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng quy định về việc bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng: “Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng quy định tại Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ”.
Quảng cáo dịch vụ thám tử tư trên internet
Như vậy, pháp luật ghi nhận và bảo vệ quyền bí mật đời tư của cá nhân. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Do đó, các hành vi tự ý thu thập, công bố tư liệu cá nhân đều vi phạm pháp luật. Điều này đồng nghĩa với các thông tin, hình ảnh mà thám tử theo dõi để có được là không hợp pháp.
Đối với việc kinh doanh dịch vụ thám tử, ngày 01/07/2015, Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực, trong số ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh không có ngành nghề kinh doanh dịch vụ thám tử tư. Tại Quyết định 10/2007/QĐ-TTg, dịch vụ điều tra cũng được quy định là một ngành trong Hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam.
Trước đây, khi Nghị định 59/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại 2015 còn hiệu lực, Chính phủ đã có quy định cấm đối với dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp có cũng quy định tại Khoản 1, Điều 7 về việc cấm “kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Ngoài ra, trên thực tế, hầu hết các công ty thám tử tư cam kết về tính bí mật của hợp đồng và giữ kín dữ liệu, hình ảnh về người bị theo dõi. Thế nhưng, đã có không ít trường hợp người bị theo dõi phát hiện mìn bị theo dõi nên thám tử “ăn hai mang” trong khi mức giá sử dụng dịch vụ này rất cao, nhận tiền từ cả 2 bên để cung cấp thông tin cho cả hai hoặc cung cấp thông tin sai sự thật vì lợi ích. Do đó, Hợp đồng được ký kết giữa người thuê thám tử và đơn vị cung cấp sẽ không đảm bảo quyền lợi của người thuê thám tử.
Tại điểm a khoản 2 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về việc Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với những hành vi “Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;” và cũng có có thể bị xử lý về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015); Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015).
Như vậy, việc sử dụng dịch vụ thám tử có thể vi phạm pháp luật, các cá nhân không nên sử dụng dịch vụ để tránh phạm luật và mất tiền oan, các công ty thám tử tư phải nhận thức việc theo dõi bí mật đời tư của người khác là vi phạm pháp luật để ngừng cung cấp dịch vụ. Đồng thời, khi phát hiện tình trạng này, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm để răn đe. Bên cạnh đó, pháp luật không rõ ràng sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của mỗi cá nhân và gây mất trật tự trị an, việc tuyên truyền pháp luật gặp nhiều khó khăn cũng như trong công tác quản lý các đơn vị kinh doanh dịch vụ thám tử. Do đó, Chính phủ cần có những quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính thống nhất trong việc thực hiện pháp luật.