Vụ đào thoát chấn động của hai nhân viên NSA
Vụ án nổi tiếng - Ngày đăng : 11:07, 25/12/2018
Sự kiện tất cả đều nóng lòng chờ đợi tại đây chính là việc hai nhân viên vừa chạy trốn từ NSA – nhà toán học William Martin và chuyên gia thống kê Bernon Mitchell – sẽ công khai tiết lộ những chi tiết chấn động về hoạt động của một trong những cơ quan tình báo bí mật nhất của Mỹ. Không hề nói quá khi đánh giá rằng, số lượng tài liệu cũng như những thông tin tuyệt mật được họ cung cấp cho Moscow đã có tác dụng làm thay đổi cả tiến trình của cuộc Chiến tranh Lạnh.
“Chúng tôi muốn giải thích với họ hàng, bạn bè và những người khác về những động cơ thúc đẩy mình xin được trở thành công dân Liên Xô. Ngay từ khi bắt đầu làm việc tại NSA từ năm 1957, chúng tôi nhận thức rõ rằng, Chính phủ Mỹ thường xuyên cố tình đưa ra những tuyên bố dối trá để biện hộ cho chính sách của mình và lên án hành động của các quốc gia khác” – đó là những lời mở đầu trong cuộc họp báo của hai nhân viên NSA.
Hình ảnh của Martin và Mitchell trong hồ sơ điều tra của người Mỹ.
Cụ thể theo như Martin và Mitchell, Washington đôi khi còn dùng tiền bạc và vũ khí để lật đổ các chính quyền được coi là không hợp khẩu vị với Mỹ. Những người nhận thức ra vấn đề trên, tỏ ý bất bình hay tìm cách điều tra làm rõ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Một trong những nguyên nhân khác của cuộc đào thoát của hai cựu nhân viên NSA được nhắc tới chính là họ tin rằng sẽ có được một môi trường nghiên cứu khoa học tốt hơn tại Liên Xô, với những kết quả được áp dụng vào thực tiễn nhanh chóng nhằm đem lại lợi ích chung cho xã hội, thay vì phục vụ cho giai cấp tư bản như tại Mỹ.
Những thông tin vạch trần
Sau những tuyên bố và giải thích ban đầu về động cơ cho quyết định của mình, Martin và Michell tiếp tục tiết lộ những thông tin chi tiết về hoạt động của NSA, khi đó vẫn được đánh giá là tổ chức bí mật nhất trong hàng ngũ các cơ quan mật vụ Mỹ. Theo họ, NSA vào thời điểm đó đang có gần 10 ngàn nhân viên, hoạt động dưới sự điều hành của trung tướng không quân John Samford. Washington rót trung bình khoảng 100 triệu đôla mỗi năm (tính theo giá trị vào thời điểm đó) để chi phí cho hoạt động của lực lượng này.
Với trang bị trong tay gồm hàng ngàn máy tính điện tử hiện đại, NSA được giao đảm nhiệm hoạt động “tình báo trong lĩnh vực thông tin liên lạc” trên phạm vi toàn cầu. Cụ thể để tham gia vào hoạt động thu trộm thông tin, cơ quan này có khoảng 8.000 chuyên gia về thu sóng vô tuyến điện tại 2.000 trạm trinh sát được bố trí khắp nơi trên thế giới, trên đất liền, tàu thủy và cả máy bay. Chỉ riêng hoạt động thu và giải mã thông tin của NSA đã ngốn thêm 380 triệu đôla ngân sách mỗi năm.
Cơ cấu chung của NSA được tiết lộ có 4 bộ phận chính: tác chiến, bảo vệ liên lạc, nghiên cứu khoa học và an ninh. Martin và Mitchell cho biết, các nhân viên NSA có khả năng giải mã hiệu quả đối với nhiều loại mật mã của các quốc gia nhờ sự giúp đỡ của các máy tính hiện đại nhất vào thời kỳ bấy giờ. Chưa kể họ còn có thể tiếp cận nhiều loại mật mã, do bản thân đã cung cấp cho nhiều nước đồng minh các loại thiết bị mã hóa.
NSA có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Anh và Canada trong lĩnh vực tình báo thông tin. Đáng chú ý là hai nhân viên NSA còn tiết lộ về một chương trình tuyệt mật nhằm giải mã tín hiệu từ các trạm radar của Liên Xô nhờ sự giúp đỡ của các máy bay do thám cố tình vi phạm không phận nước này. Theo ý kiến của họ, đây là một chương trình đặc biệt nguy hiểm, có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Những người bạn thần đồng
Sau này, trong cuốn sách nổi tiếng có nhan đề “The Puzzle Palace” (Cung điện của những câu đố) về hoạt động của NSA, tác giả James Bamford đã viết rằng, điểm khởi đầu của vụ bê bối nghiêm trọng nhất trong lịch sử NSA đã được bắt nguồn từ 10 năm trước cuộc đào thoát, khi Bernon Mitchell, một thủy thủ điển trai làm việc tại trạm thu sóng vô tuyến thuộc căn cứ Kamiseya (Nhật Bản) gặp gỡ với William Martin, người mới được chuyển tới từ một trạm thu sóng tại Alaska.
Mitchell sinh ngày 11-3-1929 tại San-Francisco và lớn lên tại thành phố biển Evrika (bắc California). Ngay từ nhỏ, cậu đã say mê và thể hiện được năng khiếu về toán học của mình. Chẳng hạn như khi giáo viên trung học không thể giải thích chi tiết về học thuyết Einstein, cậu đã chẳng ngại ngần xin chuyển sang một trường khác nằm cách xa nhà tới hơn trăm cây số.
Về sau, cậu thi vào Trường Đại học Công nghệ California với chuyên ngành thống kê toán học. Đến năm thứ hai, Michell được gọi nhập ngũ, được điều tới căn cứ trinh sát vô tuyến Kamiseya. Cậu nhanh chóng làm quen và trở nên thân thiết với William Martin, người khi đó cũng rất say mê tranh luận về các chủ đề liên quan đến khoa học và triết học.
Trụ sở của NSA.
Còn Martin sinh ngày 27-5-1931 tại Columbus, bang Georgia. Tại Đại học Tổng hợp Washington, anh ta nhanh chóng nổi lên là một sinh viên có năng khiếu đặc biệt về toán học, trước khi được tuyển chọn vào một chương trình đào tạo đặc biệt dành cho các sinh viên có năng khiếu tại Đại học Tổng hợp Chicago. Cũng như Mitchell, Martin được gọi nhập ngũ vào hải quân, có mặt tại Nhật Bản nhờ khả năng về toán học của mình.
Khi hết thời hạn quân dịch vào năm 1954, Martin ở lại Nhật Bản với vai trò nhân viên dân sự thuộc Cơ quan An ninh quân đội. Còn Mitchell quay về Evrika, gia nhập Đại học Stanford để tiếp tục niềm say mê nghiên cứu toán học của mình. Ngay từ khi còn trong quân ngũ, Mitchell đã mơ ước được vào làm việc tại NSA, là nơi theo như anh ta, toán học được ứng dụng phổ biến, được coi là một công việc thú vị và sáng tạo.
Với khả năng của mình, cùng với lý lịch từng phục vụ trong quân đội, Mitchell đã dễ dàng trải quan các vòng tuyển chọn, kiểm tra nghiêm ngặt để chính thức trở thành nhân viên NSA. Như đã hẹn trước, Martin cũng nộp đơn và được tuyển chọn vào NSA chỉ vài tuần sau.
Sau khi trải qua khóa đào tạo đặc biệt về chuyên môn, cả hai được điều động tới Cục Nghiên cứu khoa học của NSA vào đầu năm 1958. Tại đây, dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Solomon Kullback, cả hai trở thành các chuyên gia phân tích mật mã, chuyên làm nhiệm vụ giải mã các thông điệp thu được.
Cuộc chiến do thám bí mật
Cho đến năm 1960, cuộc chiến do thám bí mật trên không của Mỹ chống lại Liên Xô đã kéo dài được cả chục năm. Dù bị tổn thất khá nặng nề về nhân mạng cũng như máy bay, nhưng Washington vẫn không e ngại lao vào cuộc phiêu lưu đầy rủi ro trên. Martin và Mitchell biết được khá nhiều thông tin về cuộc chiến ngay từ khi còn phục vụ tại căn cứ Kamiseya.
Đến khi đảm trách vai trò chuyên gia phân tích và giải mã của NSA, họ bắt đầu được biết đến chương trình do thám có mật danh ELENT ngay từ năm 1959. Mục tiêu của chương trình này là sử dụng không quân vi phạm không phận Liên Xô nhằm thu tín hiệu hoạt động của các trạm radar của nước này, trước khi được ghi lại và giải mã tại NSA.
Tháng 9-1958, một chiếc máy bay C-130 của Mỹ bị rơi trên lãnh thổ nước cộng hòa Armenia thuộc Liên Xô. Có 6 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng, chưa kể 12 người khác bị tuyên bố mất tích. Bộ ngoại giao Mỹ đã tìm mọi cách bưng bít sự kiện này nhưng không thể. Cũng trong ngày này, Giám đốc NSA John Samford ra một chỉ thị nội bộ, nghiêm cấm các nhân viên bàn tán về số phận chiếc máy bay.
Mệnh lệnh trên tuy nhiên chỉ phản tác dụng, khiến cho mọi người bàn tán nhiều hơn. Một trong các nhân viên đã tiết lộ cho Martin về việc, chiếc máy bay bị bắn rơi được trang bị một thiết bị đặc biệt để thu thập các tín hiệu radar của Xôviết. Thông tin trên đã khiến Martin và Mitchell hết sức phẫn nộ. Họ cho rằng hành động trên có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh thế giới mới. Cả hai còn nghi ngờ rằng, nhiệm vụ thực sự của chiếc C-130 bị bắn rơi trên chỉ có vài thành viên trong chính phủ được biết. Thế là cả hai quyết định mạo hiểm tiết lộ thông tin về chiến dịch bí mật trên cho giới nghị sĩ Mỹ, dù biết rõ rằng nếu mọi chuyện bị bại lộ có thể sẽ phải nhận bản án tới 10 năm tù.
Cuối cùng, cả hai tìm cách liên hệ để gặp gỡ nghị sĩ Wayne Hays, người trước đó trong các cuộc điều trần đã công khai bày tỏ nghi ngờ Bộ Ngoại giao đã cung cấp thông tin không đầy đủ về chiếc máy bay bị bắn rơi. Trớ trêu là đúng vào thời điểm họ đang kể cho Hays về nhiệm vụ bí mật của chiếc C-130, ông ta lại được trợ lý Ngoại trưởng Mỹ gọi điện, đề nghị không nên công khai nêu ra vấn đề trên.
Kết quả là Hayes chỉ hứa hẹn sẽ tìm cách mở cuộc điều tra tại quốc hội, tuy nhiên còn “phụ thuộc vào quyết định của cấp trên” từ cơ quan này. Mòn mỏi đợi chờ lời hứa hẹn của Hayes, Martin và Mitchell ngày càng tỏ ra thất vọng với chính sách của Mỹ, bắt đầu nghĩ tới khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Liên Xô.
Cuộc trốn chạy
Theo điều tra của mật vụ Mỹ về sau này, Martin và Mitchell đã ấp ủ dự định chạy sang Liên Xô từ giữa năm 1959. Cả hai quyết định không nên vội vàng, cần phải có sự chuẩn bị thật chu đáo. Cũng trong thời gian này, Martin được cử đi đào tạo chuyên sâu về toán tại Đại học Tổng hợp Illinois, đồng thời tranh thủ thời gian tại đây để học thêm tiếng Nga. Tháng 12-1959, Martin và Mitchell đã vi phạm quy định của NSA, bí mật bay sang Cuba vài ngày, lần đầu tiên tìm cách tiếp xúc các đại diện từ Liên Xô.
Cả hai bắt đầu triển khai kế hoạch chạy trốn, sau khi Martin trở về từ khóa học tại Illinois. Họ nộp đơn xin nghỉ phép hai tuần với lý do xin về thăm cha mẹ. Ngày 25-7-1960, Martin và Mitchell bước lên chiếc máy bay tại sân bay quốc tế Dallas để tới Mexico, chính thức trở thành “hai kẻ đào thoát quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ” – theo như đánh giá của chuyên gia nghiên cứu về NSA James Bamford nhiều năm về sau.
Tại Mexico, họ đăng ký chuyến bay tới La Habana chỉ một ngày sau đó. Sau chuyến hải trình dài trên chiếc tàu vận tải Xôviết, cả hai đặt chân lên Odessa, rồi từ đây bằng máy bay được đưa tới Moscow.
Điều tra vụ mất tích của hai nhân viên NSA, người Mỹ mới phát hiện ra kế hoạch chạy trốn của họ. Quá trình lục soát căn hộ của Mitchell đã giúp họ tìm ra một chìa khóa một ngăn tủ tại ngân hàng, là nơi chứa lá thư kêu gọi các công dân Mỹ có nội dung mà cả Martin và Mitchell đã công khai tuyên bố tại cuộc họp báo tại Moscow. Tất nhiên Washington đã quyết định không cho công bố nội dung bức thư trên.
Ngày 1-8-1960, Lầu Năm Góc chính thức thông báo về vụ mất tích của hai nhân viên NSA. Năm ngày sau là lời thừa nhận khả năng họ chạy trốn sang Liên Xô, dù vẫn quả quyết rằng, vụ việc không gây nhiều tổn hại, do cả hai không được phép tiếp cận các tài liệu mật.
Trên thực tế, một quan chức cao cấp của tình báo Mỹ đã thú nhận với thủ lĩnh phe đa số tại thượng viện John McCormack rằng, vụ đào thoát đã gây ra một tổn thất nặng nề nhất đối với hệ thống an ninh của nước Mỹ, tương tự như vụ chuyển giao những bí mật về công nghệ sản xuất bom nguyên tử cho người Nga trước đây.
Người Mỹ bắt đầu ráo riết điều tra, tìm hiểu những nguyên nhân thực sự dẫn tới cuộc trốn chạy của Martin và Mitchell. Những kết quả công bố về sau đó đều cơ bản tìm mọi cách bôi nhọ những kẻ đào thoát, khẳng định họ là những kẻ đồng tính luyến ái, trốn chạy không phải vì những mục đích lý tưởng.
Phải đến đầu năm 2007, những tài liệu giải mật của Lầu Năm Góc và NSA về vụ điều tra trên - đã có hơn 450 người bị thẩm vấn – mới chính thức thừa nhận, Martin và Mitchell đã chạy trốn vì những động cơ về lý tưởng. Cụ thể là bạn bè và người thân của họ đều khai rằng, cả hai từng nhiều lần bày tỏ sự bất đồng đối với chính sách của Mỹ, đồng thời bóng gió về khả năng chạy trốn.
Hai năm sau cuộc đào thoát, Martin có dịp gặp gỡ một phóng viên của Associated Press tại Leningrad và trò chuyện trong suốt vài giờ. Anh ta khẳng định không hề hối tiếc về hành động trên, vì đây là một cách bày tỏ sự phản đối quyết liệt về những chuyến bay do thám của Mỹ chống lại Liên Xô. Martin còn cho biết đang làm việc tại Viện Toán học Steklov và viết luận án tiến sĩ về lý thuyết thống kê. Chính quyền Xôviết trả cho Martin 500 rúp mỗi tháng, được coi là tương đối cao vào thời điểm bấy giờ.