Lừa đảo xin việc nhằm chiếm đoạt tài sản

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 12:14, 04/05/2019

Từng hoạt động trong quân ngũ với cấp bậc Thượng sĩ nhưng sau khi xuất ngũ, đi đâu Nguyễn Đại Dương cũng tự xưng là "Trung tá quân đội" để lừa đảo xin việc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Đại Dương (SN 1954, trú xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Tại nhà riêng của đối tượng, các trinh sát đã thu giữ tang vật gồm 1 bộ quần áo, mũ quân đội, quân hàm trung tá.

Với dáng vẻ bảnh bao, lại có tài ăn nói, mặc dù đã từng hoạt động trong quân ngũ nhưng khi xuất ngũ Nguyễn Đại Dương không lo chịu khó, tu chí làm ăn mà đi lừa đảo hết người này đến người khác để chiếm đoạt tài sản.

Nắm bắt được tâm lý chung của nhiều gia đình có con là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm, đối tượng Dương đã “nổ” mình là một “Trung tá quân đội”, học rộng tài cao, có quen biết nhiều người giữ chức vụ quan trọng, có thể xin được việc làm tốt, thu nhập cao. 

Lừa đảo xin việc nhằm chiếm đoạt tài sản

 Đối tượng Nguyễn Đại Dương tại cơ quan công an.

Sau khi khoác lên mình cấp hàm mới và lấy được lòng tin từ người dân, Nguyễn Đại Dương lần lượt cho các “con mồi dính bẫy”. Với chiêu bài “lo lót” cho việc đi lại quan hệ “chạy việc”, Nguyễn Đại Dương đã nhận tiền của 7 bị hại với tổng số tiền lên đến 700 triệu đồng. Điều đáng nói ở đây là các trường hợp bị hại đều là người dân tộc thiểu số đến từ vùng cao xứ Nghệ như Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn...

Nhiều gia đình đã phải xoay xở, bán những thứ đồ có giá trị nhất trong nhà còn lại như trâu, bò, lúa ... để gom góp đưa tiền cho Dương, với hy vọng sẽ xin được việc làm ổn định cho con – như những lời có cánh mà Dương đã hứa. Thế nhưng, tiền trao đã lâu nhưng đợi mãi vẫn không thấy động tĩnh gì về kết quả xin được việc, các gia đình mới tá hỏa gọi cho Dương thì điện thoại không liên lạc được. Đến lúc này, các bị hại mới đến cơ quan công an trình báo.

Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của 7 bị hại, Công an huyện Anh Sơn đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, thu thập thông tin, chứng cứ và bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Đại Dương.

Thế nhưng, tại cơ quan điều tra, lúc đầu Nguyễn Đại Dương không thừa nhận hành vi phạm pháp của mình. Song, trước những bằng chứng thu thập được cùng sự vào cuộc quyết liệt của các điều tra viên, trinh sát đã vạch trần thủ đoạn gian xảo của đối tượng, Nguyễn Đại Dương mới chịu cúi đầu nhận tội.

Lúc này, đối tượng mới chịu khai ra sự thật là đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 7 bị hại chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương và Anh Sơn. Trong đó, 5 bị hại có đầy đủ chứng cứ chứng minh Dương đã nhận tiền chạy việc là 390 triệu đồng, còn lại 2 bị hại chỉ xác nhận được việc trao và nhận tiền qua tay không có giấy tờ là 310 triệu đồng.

Đây là bài học đắt giá dành cho những đối tượng chuyên lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người khác như Nguyễn Đại Dương sớm muộn cũng sẽ bị pháp luật trừng trị, “lưới trời lồng lộng” không thế trốn thoát. Song, cũng là lời cảnh tỉnh dành cho những người dân lương thiện phải hết sức cẩn trọng khi nhờ người khác làm những việc nhạy cảm như “xin việc”, để không phải bắt gặp tình cảnh ngang trái “tiền đã mất” nhưng “tật vẫn mang”.

Hoàng Minh