Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết về gia hạn hoạt động của UNFICYP
Thế giới - Ngày đăng : 14:59, 31/01/2020
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết 2506 về gia hạn hoạt động của UNFICYP đến ngày 31/7/2020.
Ngày 30/1, tại New York, dưới sự chủ trì của Việt Nam, HĐBA LHQ đã tiến hành họp thông qua Nghị quyết về gia hạn hoạt động của Phái bộ LHQ tại Cyprus (UNFICYP) và nghe Báo cáo về hoạt động của Phái bộ LHQ tại Libya (UNSMIL).
HĐBA LHQ đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết 2506 về gia hạn hoạt động của UNFICYP đến ngày 31/7/2020.
UNFICYP được thành lập năm 1964 theo nghị quyết số 186 của HĐBA với các nhiệm vụ chính là: Đóng góp cho việc ngăn ngừa xung đột; duy trì và phục hồi thực thi luật pháp, trật tự; khôi phục các điều kiện bình thường tại Cyprus.
Việc gia hạn hoạt động của UNFICYP được HĐBA xem xét định kỳ 6 tháng một lần (gần nhất là NQ 2483 tháng 7/2019 hết hạn 31/1/2020). Tổng lực lượng tại UNFICYP hiện nay là 1.009 người (trong đó, ngoài các nhân viên dân sự, có 794 quân, 66 cảnh sát). Tỉ lệ nữ trong toàn lực lượng là 94 người (11.82%), tăng 10 so với kỳ báo cáo trước.
* Trong khi đó, tại phiên họp nghe Báo cáo về hoạt động của UNSMIL, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm người đứng đầu UNSMIL ông Ghassan Salame cho biết đã có tiến triển quan trọng cho giải pháp chính trị ở Libya sau khi Hội nghị Quốc tế Berlin (ngày 19/1) đạt được Tuyên bố chung kêu gọi các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn dài hạn, tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí và sớm trở lại đàm phán hòa bình.
Tuy nhiên, về tình hình an ninh, ông Salamé tỏ quan ngại rằng giao tranh tiếp tục diễn ra bất chấp lệnh đình chiến tạm thời, khiến nhiều dân thường thiệt mạng trong những ngày ra, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Đại diện Phái đoàn Đức (phát biểu với tư cách Chủ tịch Ủy ban trừng phạt Libya) cho biết lệnh cấm vận vũ khí tiếp tục bị vi phạm nghiêm trọng, kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ các biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của HĐBA.
Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm người đứng đầu UNSMIL Ghassan Salame phát biểu tại phiên họp nghe Báo cáo về hoạt động của UNSMIL
Phát biểu tại phiên họp, các nước thành viên HĐBA đều đánh giá cao kết quả của Hội nghị Berlin, trong đó Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Estonia, Indonesia, Trung Quốc, Tunisia ủng hộ việc sớm thông qua Nghị quyết của HĐBA để ủng hộ kết quả Hội nghị; bày tỏ quan ngại về việc chiến sự vẫn tiếp diễn; kêu gọi các bên tại Libya sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn dài hạn và nhấn mạnh việc phải bảo đảm tuân thủ lệnh cấm vũ khí.
Nam Phi nhấn mạnh vai trò của Liên minh châu Phi (AU) trong thúc đẩy hòa bình ở Libya, cho rằng Nghị quyết của HĐBA cần tính đến kết quả của Hội nghị thượng đỉnh thứ 8 của AU về Libya vừa diễn ra tại Congo ngày 30/1. Trong khi đó, Nga cho rằng cần bảo đảm các bên liên quan tại Libya cam kết thực thi kết quả Hội nghị.
Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ hoan nghênh nỗ lực của LHQ, các tổ chức khu vực và các nước liên quan trong thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Libya, đặc biệt là việc thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Berlin; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm giải pháp chính trị do người Libya dẫn dắt và làm chủ và kêu gọi các bên liên quan tại Libya kiềm chế, sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn dài hạn và khôi phục lại quá trình đàm phán hòa bình; khẳng định Việt Nam ủng hộ một Nghị quyết của HĐBA để hỗ trợ việc triển khai kết quả Hội nghị Berlin; đánh giá cao vai trò, đóng góp của UNSMIL dưới sự lãnh đạo của Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ.
Hội nghị Berlin về Libya (19/1) được tổ chức trên cơ sở sáng kiến của Thủ tướng Đức Angela Merkel với sự tham gia của lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Algeria, Ai Cập, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Congo, UAE, Liên minh Châu Phi, Liên đoàn Arab, Liên minh châu Âu và Tổng Thư ký LHQ. Hội nghị đã thông qua một Tuyên bố chung nhằm kêu gọi chấm dứt can thiệp vào tình hình Libya và thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề Libya, do người Libya dẫn dắt và làm chủ. |