Mỹ sẵn sàng đối phó với bất kỳ “món quà Giáng sinh” nào của Triều Tiên
Thế giới - Ngày đăng : 10:54, 25/12/2019
Trong khi đó, Trung Quốc, nước ủng hộ quan trọng nhất của Triều Tiên, đã thúc giục Washington thực hiện các bước cụ thể, một cách nhanh chóng để thực hiện các thỏa thuận đạt được trong hội nghị thượng đỉnh năm ngoái giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói chuyện với giới truyền thông sau khi tham gia buổi hội thảo qua video với các thành viên của quân đội Hoa Kỳ tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, Florida, Mỹ, ngày 24 tháng 12 năm 2019.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong các bình luận trên Twitter của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh, kêu gọi Triều Tiên và Hoa Kỳ xây dựng lộ trình khả thi để thiết lập một chế độ hòa bình vĩnh viễn và thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên đã cảnh báo Washington có thể nhận được một “món quà Giáng sinh” sau khi ông Kim trao cho Hoa Kỳ một cái hạn đến cuối năm để đề xuất những nhượng bộ mới trong các cuộc đàm phán về kho vũ khí hạt nhân của đất nước ông và làm giảm căng thẳng giữa các đối thủ.
“Chúng tôi sẽ tìm hiểu điều bất ngờ là gì và chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề đó rất thành công”, ông Trump nói với các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình. "Chúng tôi chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra."
“Có lẽ đó là một món quà tuyệt vời, ông ấy chỉ đùa thôi. Món quà mà ông ấy gửi cho tôi có thể là một chiếc bình đẹp chứ không phải là một vụ thử tên lửa”, ông Trump nói.
Khi đưa ra cảnh báo, Triều Tiên cáo buộc Washington đang cố gắng trì hoàn các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trước thềm cuộc bầu cử lại của ông Trump vào năm tới và món quà Giáng sinh sẽ như thế nào là do họ chọn.
Các chỉ huy quân đội Mỹ nói rằng cảnh báo của Triều Tiên có thể liên quan đến việc thử tên lửa tầm xa, một điều mà Triều Tiên đã đình chỉ - cùng với các vụ thử bom hạt nhân - kể từ năm 2017.
Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng việc Triều Tiên đình chỉ các vụ thử nghiệm là bằng chứng cho thấy chính sách gắn kết với Triều Tiên của ông có hiệu quả.
Lần thử nghiệm gần nhất về một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa là vào tháng 11 năm 2017 khi Triều Tiên bắn Hwasong-15, tên lửa lớn nhất mà nước này từng thử nghiệm. Bình Nhưỡng cho biết tên lửa có khả năng vươn tới mọi khu vực của nước Mỹ.
Ông Trump và ông Kim đã gặp nhau ba lần kể từ năm 2018, nhưng không có tiến triển thực sự. Triều Tiên đã yêu cầu chấm dứt các lệnh trừng phạt quốc tế trong khi Hoa Kỳ nói rằng Bình Nhưỡng trước tiên phải cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore năm 2018, hai bên đã đồng ý hợp tác xây dựng chế độ hòa bình ổn định và bền vững, thay thế hiệp định chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, trong khi Triều Tiên cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.
Những ngày gần đây, thế giới đã chứng kiến một loạt các hành động ngoại giao quốc tế nhằm tránh sự quay trở lại của cuộc đối đầu nóng bỏng như hai năm trước đây đang làm dấy lên nỗi sợ chiến tranh. Trung Quốc và Nga, tuần trước, đã đề xuất với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên để phá vỡ bế tắc hiện tại. Đáp lại đề xuất đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nói rằng đây không phải là lúc để xem xét việc này khi mà Triều Tiên đang đe dọa tiến hành một cuộc khiêu khích leo thang, từ chối gặp để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa, tiếp tục duy trì và thúc đẩy vũ khí hủy diệt hàng loạt và đạn đạo bị cấm.
Trong năm 2019, Triều Tiên đã tiến hành nhiều lần thử nghiệm tên lửa tầm ngắn. Các quan chức Mỹ đã cáo buộc trong tháng 12 Triều Tiên dường như đã thực hiện thử nghiệm động cơ tại một cơ sở thử nghiệm tên lửa mà ông Kim đã hứa sẽ đóng cửa. Bình Nhưỡng cho biết các cuộc thử nghiệm này nhằm mục đích kiềm chế và khắc phục mối đe dọa từ Mỹ.
Những ngày cuối năm đã tới, các cuộc đàm phán tiếp theo của Mỹ và Triều Tiên có lẽ phải chờ sang năm 2020.