Đối mặt với thảm họa khí hậu: “Chúng ta đã hết thời gian”
Thế giới - Ngày đăng : 22:28, 26/11/2019
Venice là một trong những nơi bị lũ lụt tấn công gần đây nhất
Giảm phát thải ngay bây giờ hoặc đối mặt với thảm họa khí hậu
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết lượng khí thải toàn cầu cần phải giảm 7,6% mỗi năm cho đến năm 2030 để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5C.
Một thực tế phũ phàng là lượng khí thải đã tăng trung bình 1,5% mỗi năm trong một thập kỷ qua, đạt mức kỷ lục 55,3 tỷ tấn CO2 và một lượng khí nhà kính tương đương vào năm 2018 - ba năm sau khi 195 quốc gia ký hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu.
Tổ chức đo lường thế giới cho biết hôm 25/11 rằng, năm 2018 nồng độ khí nhà kính trong khí quyển đã đạt kỷ lục mọi thời đại.
Trong Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia đã cùng nhau cam kết hành động để hạ mức nhiệt độ tăng của trái đất xuống mức "thấp hơn" 2 độ C và ở dưới mức 1,5 độ C nếu có thể.
Để làm như vậy, họ đã nhất trí về sự cần thiết phải giảm khí thải và hướng tới một thế giới carbon thấp trong vòng nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc nhận thấy rằng ngay cả khi đang cố gắng thực hiện các cam kết hiện tại của Thỏa thuận Paris, thế giới vẫn đang trên đà tăng nhiệt độ 3,2C, một điều mà các nhà khoa học lo ngại có thể sẽ xé nát kết cấu xã hội.
Ngay cả khi mọi quốc gia thực hiện tốt lời hứa của mình, "lượng carbon" vẫn tiếp tục tăng và sẽ khiến trái đất “kiệt sức” trong vòng một thập kỷ. Nói theo cách riêng của mình, Liên hợp quốc đánh giá tình hình là "rất ảm đạm".
Mặc dù khẳng định mục tiêu giảm mức tăng nhiệt độ trái đất xuống 1,5C vẫn có thể đạt được, nhưng các chuyên gia môi trường thừa nhận rằng điều này sẽ đòi hỏi một biến động chưa từng có, và sự phối hợp của một nền kinh tế toàn cầu vẫn đang bị thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự tăng trưởng của dầu và khí đốt.
"Chúng ta đang thất bại trong việc hạn chế khí thải nhà kính", Giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), Inger Andersen, cho biết.
"Trừ khi chúng ta hành động khẩn cấp ngay bây giờ và cắt giảm đáng kể lượng khí thải toàn cầu, chúng ta mới thực hiện được mục tiêu 1,5C."
Những cơn giận dữ đang gia tăng do biến đổi khí hậu (hỏa hoạn ở California)
“Một thập kỷ không hành động”
Báo cáo Khoảng cách phát thải, năm nay là năm thứ mười, cũng nêu chi tiết về “một thập kỷ không hành động” của chính phủ.
Đã có những đánh giá nghiêm túc về mục tiêu bảo vệ khí hậu bắt đầu vào năm 2010, ngay sau hội nghị thượng đỉnh Copenhagen với một cuộc tranh luận sôi nổi, trong đó đưa ra mục tiêu việc cắt giảm khí thải cần thiết hàng năm sẽ là 0,7% để hạn chế trái đất nóng lên 2 độ C mỗi năm và 3,3% cho mức tăng 1,5 độ C.
"Mười năm trì hoãn hành động đã đưa chúng ta đến vị trí mà chúng ta đang đứng ngày hôm nay", ông Inger Andersen nói.
Báo cáo nhấn mạnh "cơ hội" cụ thể cho các nhà sản xuất điện lớn để thúc đẩy nền kinh tế phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015.
Mặc dù mỗi quốc gia có một lời khuyên khác nhau, nội dung vẫn rất rõ ràng: loại bỏ hoàn toàn than đá, giảm đáng kể dầu và khí đốt và xây dựng năng lượng tái tạo.
Các quốc gia G20 được coi là những nước lạc hậu - mặc dù họ tạo ra khoảng 78% tổng lượng khí thải, nhưng chỉ có 15 quốc gia giàu có vạch ra kế hoạch cụ thể để đạt đến mức giảm khí thải nhà kính xuống bằng 0.
Trong tất cả các mục tiêu, các quốc gia phải tăng gấp 5 lần những nỗ lực của mình cho cuộc chiến khí hậu để có thể cắt giảm được lượng khí thải cần thiết cho mức giữ nhiệt độ trái đất tăng dưới 1,5 độ C.
Báo cáo nêu rõ: "Chúng ta thực sự cần phải thay đổi xã hội trong 10 năm tới."
Wendel Trio, giám đốc Mạng lưới Hành động Khí hậu (CAN) Châu Âu cho biết năm 2020 cần phải là một "bước ngoặt lịch sử lớn" trong cuộc chiến khí hậu.
“Có khoảng cách giữa lời nói và hành động”
"Hy vọng nằm ở hàng triệu người vẫn đang xuống đường biểu tình chống biến đổi khí hậu, những người có thể buộc các chính trị gia hành động theo các khuyến nghị từ các nhà khoa học," Wendel Trio nói.
Năm ngoái, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu - cơ quan khoa học hàng đầu thế giới về vấn đề này - đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng rằng vượt quá mức 1,5 độ C sẽ làm tăng tần suất và cường độ của sóng nhiệt, siêu bão và lũ lụt.
Chỉ với 1 độ C nóng lên, năm 2019 đã được dự đoán là đợt nóng thứ hai trong lịch sử loài người, một năm bị tàn phá bởi hỏa hoạn và lốc xoáy gây chết người thường xuyên hơn khi nhiệt độ lên cao.
Và mặc dù cần phải có hành động khẩn cấp, với nhu cầu năng lượng toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong nhiều năm, chính Liên hợp quốc đã thừa nhận rằng "không có dấu hiệu phát thải khí (nhà kính) đạt đỉnh trong vài năm tới".
Đỉnh cao đó đáng lẽ phải đến từ nhiều năm trước, Alden Meyer, Giám đốc chính sách của Liên minh các nhà khoa học quan tâm cho biết.
"Không phải chúng ta sắp hết thời gian mà là chúng ta đã hết thời gian," Alden Meyer nói.
Báo cáo cho biết lượng khí thải sẽ cần giảm 55% vào năm 2030 để duy trì mức tăng 1,5C - mức giảm cao chưa từng thấy tại thời điểm tăng trưởng toàn cầu kéo dài.
John Ferguson, giám đốc phân tích quốc gia tại Đơn vị tình báo kinh tế, cho biết ông thấy khó có thể thực hiện được việc tiến hành cắt giảm khí thải trong thời gian cần thiết.
"Có khoảng cách về khí thải nhưng cũng có khoảng cách giữa lời nói và hành động, và khoảng cách đó giải thích cho sự bi quan của tôi rằng chúng ta sẽ không giới hạn được ở mức 1,5C", John Ferguson nói.