Thảm kịch rơi máy bay đang “thổi bay” danh tiếng của gã khổng lồ Boeing
Thế giới - Ngày đăng : 17:14, 13/03/2019
Theo Washington Post, khi ra mắt dòng máy bay Boeing 737 Max - một trong những loại máy bay chở khách hiện đại và thuộc thế hệ mới nhất trên thế giới vào năm 2017, Boeing nhận thấy đây là cơ hội vàng để tăng khách hàng trên thế giới, với mẫu máy bay được giới thiệu là có chi phí thấp, hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu cao hơn, chở thêm được nhiều hành khách và chỉ đòi hỏi công tác bảo dưỡng ở mức tối thiểu.
737 Max cũng được ca ngợi là phi cơ hoàn hảo cho các chặng bay tầm trung, giúp các hãng hàng không tối đa hóa lợi nhuận.
Để làm được điều này, Boeing thực hiện một số điều chỉnh trên thiết kế dòng máy bay mới, đưa động cơ nhô ra phía trước và đặt ở vị trí cao hơn trên cánh, đồng thời tăng chiều dài càng đáp phía trước thêm khoảng 20 cm. Đây được coi là những thay đổi nhỏ và cần thiết nhằm tăng hiệu suất hoạt động của máy bay.
Thậm chí, Boeing còn tuyên bố rằng phi công không cần phải trải qua khóa huấn luyện trong buồng mô phỏng để điều khiển thuần thục phi cơ Max 8 mới. Chính điều này đã giúp tập đoàn hàng không có trụ sở ở Chicago này bán được hàng nghìn chiếc Max 8, tăng cường quan hệ với Trung Quốc và các thị trường đang tăng trưởng nhanh như Indonesia và Ethiopia. Giá cổ phiếu của tập đoàn tăng cao, giúp họ tăng thêm hàng tỷ USD giá trị.
CEO Dennis Muilenburg của Boeing tuyên bố trước các cổ đông trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập công ty năm 2017 rằng, Boeing muốn ngự trị ở đỉnh cao ngành công nghiệp toàn cầu trong thời gian dài. Boeing cũng sẽ là kẻ đứng đầu trong mọi lĩnh vực kinh doanh, đưa giá trị ưu việt tới khách hàng, nhân viên, cổ đông, cộng đồng và đối tác.
Công ty nghiên cứu đầu tư Value Line đã viết trong đánh giá gửi khách hàng rằng, chương trình 737 được coi là "gà đẻ trứng vàng" của Boeing, được kỳ vọng mang lại doanh thu 32 tỷ USD trong năm 2019.
Thảm kịch rơi máy bay liên tiếp đang “thổi bay” danh tiếng của gã khổng lồ Boeing
Nhưng thảm kịch máy bay 737 Max 8 rơi ở Ethiopia hôm 10/3 khiến 157 người thiệt mạng, vụ tai nạn chết người thứ hai liên quan đến dòng phi cơ này trong chưa đầy 6 tháng qua, đang đe dọa giấc mơ và danh tiếng toàn cầu của Boeing về sự an toàn và tin cậy.
Giới phân tích cho rằng, Boeing sẽ phải điều tra rốt ráo để sớm tìm ra nguyên nhân máy bay gặp nạn, nếu không sẽ phải đối mặt với làn sóng tẩy chay từ các khách hàng và nhà đầu tư tiềm năng.
Trước đó, trong vụ máy bay Max 8 của hãng Lion Air rơi tháng 10 năm ngoái, các điều tra viên Indonesia cho rằng lỗi cảm biến và một tính năng tự động chúc mũi của máy bay khi phi công tìm cách nâng độ cao đã khiến chiếc phi cơ chở 189 người lao xuống biển Java.
Một tháng sau vụ tai nạn, Boeing công bố một báo cáo, tiết lộ rằng máy bay Max 8 được trang bị một chương trình tự lái mới có tên Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS), vốn có thể vô hiệu hóa chức năng phi công vốn dùng để kiểm soát máy bay.
Chương trình phần mềm này được Boeing cập nhật vào hệ thống điều khiển bay để giải quyết vấn đề máy bay Max 8 có xu hướng ngóc đầu lên trong hành trình, do việc thay đổi vị trí đặt động cơ khiến trọng tâm của máy bay bị dịch chuyển. Khi phát hiện mũi máy bay bị ngóc lên, hệ thống tự động gửi tín hiệu điều khiển đến cánh đuôi ngang, giúp nó lấy lại thăng bằng.
Tuy nhiên, các phi công than phiền rằng Boeing đã không giới thiệu về tính năng điều khiển tự động này trong chương trình huấn luyện máy bay mới của họ, khiến nhiều người hoàn toàn mù tịt về cách xử lý trong tình huống khẩn cấp.
Báo cáo điều tra sơ bộ của Indonesia cho biết, trước khi máy bay của Lion Air đâm xuống biển, phi công đã liên tục tìm cách vô hiệu hóa hệ thống điều khiển tự động bằng máy tính để lấy lại độ cao cho chiếc phi cơ đang chúc mũi xuống, nhưng sau mỗi thao tác của cơ trưởng, hệ thống MCAS lại tự thực hiện việc điều chỉnh và thảm họa xảy ra.
Khi làn sóng chỉ trích nhắm vào Boeing chưa kịp lắng xuống, thảm kịch thứ hai xảy ra ở Ethiopia, với diễn biến rất giống những gì đã xảy ra với chiếc máy bay xấu số của Lion Air và hệ thống MCAS một lần nữa bị các chuyên gia hàng không "điểm mặt chỉ tên".
Các chuyên gia chỉ ra rằng, trong trường hợp các điều tra viên ở Ethiopia phát hiện ra MCAS là thủ phạm gây ra vụ tai nạn, chắc chắn toàn bộ phi đội Max 8 đang hoạt động trên thế giới sẽ bị cấm bay, các đơn đặt hàng bị hủy và 5,1 tỷ USD, tương đương 5% doanh thu hàng năm của Boeing, có thể "bốc hơi" trong hai tháng.
Hiện một cuộc điều tra cục bộ đang được tiến hành, nhưng Boeing đã phải sớm hứng chịu những hậu quả không nhỏ. Trung Quốc, thị trường nước ngoài quan trọng nhất của hãng, đã ngay lập tức cấm bay toàn bộ 96 máy bay 737 Max 8 sau vụ tai nạn ở Ethiopia.
Vài giờ sau, một loạt hãng hàng không ra quyết định tương tự, trong khi nhà chức trách ở Ethiopia và Indonesia, hai quốc gia xảy ra thảm kịch liên quan đến dòng máy bay này, yêu cầu điều tra kỹ mọi thứ trên phi cơ.
Hiện nay, quyết định cấm bay toàn bộ phi đội Max 8 của Trung Quốc được coi là đòn giáng nặng nhất vào Boeing, bởi dòng máy bay này là vũ khí chủ lực của tập đoàn để tấn công thị trường lớn nhất châu Á.
Theo Mike Boyd, chủ tịch công ty tư vấn hàng không Mike Boyd International, Boeing tới nay đã nhận được đơn đặt hàng gần 3.000 chiếc Max 8, phần lớn đến từ Trung Quốc. Nhưng giờ đây họ có thể đánh mất đơn hàng này.
Trong khi đó, cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) thuộc Liên minh châu Âu (EU) hôm qua cũng quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động bay của dòng phi cơ Boeing 737 MAX tại không phận châu Âu.
Hàng loạt quốc gia khác như Malaysia, Australia, Singapore cũng tạm thời cấm tất cả máy bay Boeing 737 MAX di chuyển trong không phận của mình vì sự an toàn.
Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Hàng không Mỹ (FAA) khẳng định dòng phi cơ này vẫn đủ điều kiện hoạt động.
FAA ngày 12/3 ra thông báo trấn an các hãng hàng không quốc tế rằng, dòng máy bay Boeing 737 MAX vẫn đủ điều kiện hoạt động, nhưng sẽ yêu cầu nhà sản xuất chỉnh sửa thiết kế phi cơ trước tháng 4, trong đó có hệ thống MCAS.