Vì sao phương Tây khó làm căng với Arab Saudi về vụ nhà báo mất tích?

Thế giới - Ngày đăng : 15:11, 17/10/2018

Dù nghi ngờ Arab Saudi đứng sau vụ nhà báo mất tích, phương Tây khó gây thêm sức ép vì Riyadh là khách hàng và đồng minh quan trọng.

Ngày 2/10, Jamal Khashoggi, nhà báo viết bài cho Washington Post sống lưu vong tại Mỹ từ cuối năm 2017 bất ngờ biến mất sau khi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Các nguồn tin chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Khashoggi, người đã chỉ trích một số chính sách của Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman bị tra tấn và giết ở đây. Nhưng Riyadh bác bỏ cáo buộc và nói rằng Khashoggi đã rời khỏi lãnh sự quán vào ngày hôm đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các lãnh đạo phương Tây đã phản ứng thận trọng trước cáo buộc. Nhưng sau vài ngày im lặng, Tổng thống Trump đã yêu cầu Riyadh trả lời về sự biến mất của Khashoggi.

Tổng thống Trump thậm chí còn lên tiếng đe dọa sẽ “trừng phạt nặng” nếu việc nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán Arab Saudi là có thật.

Tuy nhiên, ông cũng nhanh chóng loại trừ khả năng hạn chế bán vũ khí cho Arab Saudi - khách hàng vũ khí lớn nhất của Mỹ. Phản ứng trước lời kêu gọi của một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ về việc này, ông Trump cảnh báo rằng người Arab Saudi sẽ chi số tiền đó cho Nga, Trung Quốc hoặc một nước khác. Điều đó sẽ không thể chấp nhận được. Nếu thực sự làm như vậy, Mỹ sẽ tự gây tổn thương cho mình nhiều hơn là cho Saudi Arabia.

Vì sao phương Tây khó làm căng với Arab Saudi về vụ nhà báo mất tích?

Việc nhà báo Jamal Khashoggi mất tích gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế

Trong khi đó, Quốc vương Arab Saudi Salman bin Abdulaziz đã chỉ thị cho công tố viên mở cuộc điều tra nội bộ về vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã khởi hành tới Arab Saudi nhằm thảo luận về những tranh cãi quanh vụ việc lùm xùm này.

Sau cuộc gặp với các quan chức Saudi Arabia trong ngày 16/10 tại Riyadh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay Saudi Arabia đã nhất trí về sự cần thiết phải điều tra thấu đáo vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 2 tuần.

Việc nhà báo Jamal Khashoggi mất tích còn gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế. Các đồng minh châu Âu cũng đang ra sức kêu gọi tiến hành các cuộc “điều tra đáng tin cậy”, đồng thời sớm đưa những kẻ phải chịu trách nhiệm ra trước công lý.

Ngày 12/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phá vỡ sự im lặng khi mô tả vụ mất tích là "rất nghiêm trọng" và kêu gọi cuộc điều tra đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp "sự thật và hoàn toàn rõ ràng".

Anh cũng là một trong những nước có phản ứng mạnh mẽ nhất. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho rằng số phận của Khashoggi có thể dẫn đến "hậu quả nghiêm trọng".

Tuy nhiên, theo các chuyên giá đánh giá, phương Tây ít khả năng từ bỏ mối quan hệ với hoàng gia Arab Saudi. Các quốc gia có thể đưa ra một số phản ứng để làm hài lòng dư luận vì vấn đề này liên quan đến tự do ngôn luận, an ninh và luật pháp. Nhưng họ vẫn sẽ trải thảm đỏ cho Thái tử Arab Saudi.

Có thể thấy, sự biến mất của Khashoggi đang thử thách khả năng của bất kỳ người phương Tây nào trong việc làm ăn với chính phủ Saudi. Vụ mất tích cũng phủ bóng lên hội nghị đầu tư cao cấp được tổ chức tại Riyadh ngày 23-25/10. Một số doanh nghiệp và nhà báo Mỹ đã rút khỏi sự kiện.

Hà Kim