Mối quan hệ “thất thường” của ông Trump và ông Abe
Thế giới - Ngày đăng : 06:33, 05/09/2018
Theo Washington Post, tuy ông Abe được coi là lãnh đạo nước ngoài có mối quan hệ cá nhân thân thiết nhất với ông Trump, nhưng quan hệ giữa họ ẩn chứa nhiều điểm lạ lùng và thỉnh thoảng lại xảy ra căng thẳng.
Giới quan sát nhận định rằng hai nhà lãnh đạo có một mối quan hệ chặt chẽ. Ông Trump đã gặp ông Abe 8 lần, nhiều hơn bất cứ lãnh đạo quốc gia nào, và điện đàm với ông Abe 26 lần. Các trợ lý Nhà Trắng nói rằng, 2 nhà lãnh đạo từng nói đùa về việc chơi golf. Tổng thống Mỹ cũng từng khen Thủ tướng Nhật Bản là một nhà đàm phán hiểu biết và một đối tác xứng tầm. Ông gọi ông Abe là người bạn tốt.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, cách tiếp cận về vấn đề Triều Tiên và bất đồng quan điểm về chính sách thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản dường như đã khiến ông Trump và ông Abe rơi vào tình trạng thương lượng bế tắc.
Trong một khoảng thời gian dài, ông Abe dường như rất đầu tư vào mối quan hệ cá nhân với ông Trump. Ông công khai đánh giá cao “khả năng lãnh đạo nổi trội và đáng nhớ” của Tổng thống Mỹ, cũng như không ban hành biện pháp trả đũa Mỹ tăng thuế lên nhôm và thép nhập khẩu từ Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Tuy nhiên, Nhật Bản tới thời điểm này vẫn đang chuẩn bị phải đối mặt với thuế quan áp lên mặt hàng ô tô, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Tokyo. Các quan chức từ 2 nước đều cho rằng, sự kiên nhẫn của của Tokyo với Washington về các kinh tế và thương mại dường như có giới hạn nhất định.
Tuần trước, một quan chức thương mại cấp cao Nhật Bản cảnh báo rằng Tokyo sẽ đáp trả nếu chính quyền ông Trump áp thuế 25% lên xe ô tô Nhật Bản.
Trong lĩnh vực an ninh, ông Trump dường như đã khiến ông Abe “phật lòng”. Theo đó những cuộc điện đàm và gặp gỡ trước thềm hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore hồi tháng 6, ông Abe đã liên tục khuyên ông Trump không nên dừng tập trận với Hàn Quốc hoặc chưa vội vàng đồng ý về việc sẽ chấm dứt tình trạng chiến tranh với Triều Tiên cho tới khi Bình Nhưỡng có những động thái cho thấy họ đã phi hạt nhân hóa. Mặc dù vậy, ý kiến của ông Abe dường như bị “phớt lờ” hoàn toàn.
Nhưng, có một thực tế mà Nhật Bản vẫn phải chấp nhận rằng Nhật Bản cần sự hiện diện quân sự của Mỹ tại vùng Viễn Đông để đảm bảo an ninh quốc gia của Tokyo.
Giới quan sát đánh giá, trong tình hình hiện tại, dường như ông Abe đang cần ông Trump hơn. Thủ tướng Nhật rõ ràng mong muốn sự hỗ trợ của Mỹ trong vấn đề người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc, thuế quan thương mại hay vấn đề an ninh.
Tuy nhiên, để có thể đảm bảo có thể nắm giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Abe không thể đánh đổi lấy những gì ông Trump muốn đó là Tokyo phải đơn phương nhượng bộ để hàng hóa nông nghiệp Mỹ có thể dễ dàng vào thị trường Nhật Bản hơn. Đây rõ ràng là vấn đề rất nhạy cảm ở Nhật Bản vào thời điểm hiện tại.