Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có nguy cơ lung lay vì tân Ngoại trưởng "diều hâu"
Thế giới - Ngày đăng : 16:47, 15/03/2018
Theo đó, tân Ngoại trưởng Mike Pompeo là người có quan điểm cứng rắn về Triều Tiên và cả Iran. Ông này cũng chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân Iran và muốn rút khỏi thỏa thuận, đồng thời so sánh chính quyền Tehran với IS.
Ông Mike Pompeo cũng là một trong những tiếng nói "diều hâu" nhất về các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hồi tháng 7 năm ngoái, ông này cho rằng sự thay đổi chế độ sẽ là diễn tiến tích cực được người Triều Tiên hoan nghênh, và từ chối chỉ trích hành động quân sự phủ đầu.
Giới chuyên gia cũng lo ngại rằng cuộc gặp Mỹ - Triều có thể sẽ bị hoãn lại một tháng vì sự ra đi của ông Rex Tillerson. Mặt khác, ông Mike Pompeo cũng sẽ cần mất ít nhất một tháng để Thượng viện thông qua chức danh Ngoại trưởng, mặt khác, chính bản thân cựu Giám đốc CIA phải bắt kịp công việc mới.
Bởi Pompeo vốn là một quan chức tình báo, ông ấy cần tích lũy thêm nhiều kiến thức về ngoại giao, châu Á và những vấn đề liên quan đến công việc của bộ Ngoại giao.
Cuộc gặp thượng đỉnh càng có nguy cơ mong manh hơn khi đang có tin đồn cựu Đại sứ Mỹ theo đường lối hiếu chiến tại Liên Hợp Quốc John Bolton có thể sẽ sớm thay thế vị trí của Cố vấn An ninh quốc gia H.R.McMaster. Ông Bolton là người ủng hộ tấn công phủ đầu cả Triều Tiên và Iran.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có nguy cơ lung lay vì tân Ngoại trưởng "diều hâu"
Có thể thấy, quan điểm của ông Pompeo và ông Bolton khác hẳn với cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, người từng khẳng định hồi tháng Tư rằng, Mỹ không tìm kiếm sự sụp đổ của chế độ, và rất mong muốn đạt được thỏa thuận về một cuộc gặp mà không cần điều kiện tiên quyết.
Chính quan điểm này của ông Tillerson khiến ông bị gạt ra ngoài rìa trong khi hình thành chính sách về Triều Tiên. Ông cũng bị sa thải trên Twitter sau khi trở về từ một chuyến công du châu Phi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông đã bị loại khỏi thành phần góp mặt trong Hội nghị Thượng đỉnh của ông Donald Trump và ông Kim Jong-un dự kiến tổ chức tháng 5 tới đây.
Trong khoảng thời gian 14 tháng làm việc dưới tư cách nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước, ông Tillerson chưa mang lại điều gì nổi bật ngoài những chính sách ngoại giao luôn bất đồng với Tổng thống Trump trong rất nhiều vấn đề. Ông trấn an các đồng minh NATO rằng, Mỹ sẽ vẫn cam kết thực hiện nghĩa vụ trong liên minh, bất chấp việc Tổng thống đe dọa sẽ rút khỏi khối quân sự này với lý do các nước không đóng góp đủ ngân sách. Ông Tillerson đã cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, trong khi ông Trump muốn bỏ hoàn toàn.
Các chuyên gia về chính sách đối ngoại có thể rất bực tức khi Tổng thống Trump tuyên bố ông sa thải ông Tillerson và thay thế bằng Giám đốc CIA Mike Pompeo, nhưng rõ ràng, mối quan hệ giữa Tổng thống và cựu Ngoại trưởng chưa bao giờ hòa hợp ngay từ đầu.
Điều này càng được chứng thực bằng tuyên bố "chúng ta còn lâu mới tới được đàm phán" của ông Tillerson chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Donald Trump chấp nhận lời mời gặp thượng đỉnh của ông Kim Jong-un. Trên thực tế, Tổng thống Trump đã quyết định sa thải Ngoại trưởng trước cả khi công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra.
Hiện tại, Tổng thống Trump đang chuẩn bị bước vào cuộc gặp trực tiếp chưa từng có trong lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để thảo luận chương trình hạt nhân của nước này. Dự kiến Hội nghị Thượng đỉnh sẽ diễn ra vào tháng 5.
Mặc dù có thể gây xáo trộn trong tình hình bận rộn hiện tại, nhưng giới phân tích nhận định, động thái này cũng mang đến ý nghĩa nhất định. Nếu quan điểm của ông Tillerson không đồng nhất với Tổng thống Trump về các vấn đề liên quan đến cuộc gặp với lãnh đạo Kim Jong-un sắp tới, một lời chia tay lúc này là cần thiết.
Tờ USA Today đánh giá, Tổng thống Trump cần bước vào hội nghị thượng đỉnh và chuẩn bị nhân sự gồm những người ông có thể tin tưởng và có sự tương đồng về lập trường.