Cộng đồng quốc tế chung tay hạ nhiệt "chảo lửa" Đông Ghouta ở Syria
Thế giới - Ngày đăng : 07:22, 28/02/2018
Theo đó, Mỹ và một loạt các nước như Đức, Pháp, Canada đồng loạt lên tiếng kêu gọi Nga gây áp lực tối đa đối với Syria nhằm thực thi ngay lập tức lệnh ngừng bắn theo nghị quyết được nhất trí tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh việc thúc giục Nga dùng ảnh hưởng để đảm bảo việc ngừng ngay lập tức và hoàn toàn cuộc tấn công đẫm máu tại Đông Ghouta, Mỹ còn kêu gọi việc khẩn trương cho phép các nhân viên nhân đạo được tiếp cận khu vực này để điều trị những người bị thương và phân phát hàng cứu trợ.
Ngày 26/2, phát biểu trước báo giới tại thủ đô Paris, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh, Pháp kiên định với lập trường quan điểm đảm bảo tất cả các bên liên quan kêu gọi một lệnh ngừng bắn để triển khai viện trợ nhân đạo. Đồng thời khẳng định, lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày này chính là sự khởi đầu của một tiến trình chính trị ở Syria.
Chiến sự leo thang biến Đông Ghouta thành "địa ngục trần gian"
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cũng cho biết, điều quan trọng hiện nay là tất cả các bên phải tôn trọng lệnh ngừng bắn vô điều kiện và cho phép phân phát hàng viện trợ nhân đạo đến người dân. Bà Freeland đồng thời bày tỏ quan ngại trước những báo cáo cho biết, lệnh ngừng bắn đã bị vi phạm chưa đầy 48 giờ sau khi được Hội đồng Bảo an thông qua.
Được biết, Ngoại trưởng Pháp Le Drian và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov còn lên kế hoạch có cuộc gặp trong ngày 27/2 tại Moscow để thảo luận về vấn đề khủng hoảng ở Syria. Cuộc gặp diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/2 ra sắc lệnh "ngừng bắn nhân đạo" trong 5 giờ mỗi ngày ở Đông Ghouta, tạo ra hành lang nhân đạo cho người dân rời khỏi vùng chiến sự.
Qua đây có thể thấy, vai trò then chốt của Nga được thể hiện rõ hơn khi các bên hối thúc Moscow giúp giải quyết cuộc khủng hoảng gần 7 năm qua tại Syria. Không chỉ đến thời điểm này, mà ngay từ lúc bắt đầu bùng nổ xung đột vũ trang ở Syria hồi tháng 3/2011, Nga đã tích cực tìm kiếm giải pháp chính trị để ngừng nội chiến, chống lại sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc xung đột.
Giới quan sát đặt ra giả thuyết rằng, Tổng thống Putin đang khéo léo chơi quân bài chính trị ở Syria, và sử dụng vai trò của mình để giải quyết xung đột tại Syria như một quân bài mặc cả với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm thoát khỏi thế bị cấm vận về kinh tế và cô lập về chính trị.
Theo các chuyên gia, không khó gì nhận thấy việc Nga đang muốn chứng minh nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua việc can dự ngày càng sâu hơn vào cuộc khủng hoảng tại đất nước Syria đầy bất ổn, nơi đang là tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế.