Những cuộc gặp song phương “nặng ký” được thế giới quan tâm bên lề APEC
Thế giới - Ngày đăng : 15:06, 13/11/2017
Sự kiện cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng là sự kiện quốc tế quan trọng với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump với chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in…
Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 còn là một trong những sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong những năm gần đây. Bên cạnh hợp tác kinh tế, Hội nghị Cấp cao APEC lần này cũng khẳng định đường lối tích cực hội nhập quốc tế và sẽ thúc đẩy nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy hình ảnh Việt Nam như một quốc gia đang phát triển năng động, mến khách và an toàn.
Trong những ngày vừa qua, hàng loạt các hãng thông tấn lớn trên thế giới như Reuters, ABCnews, BBC…đã có những bài viết về công tác chuẩn bị APEC ở Đà Nẵng - Việt Nam và nhận định, đây là sự kiện lớn, là cơ hội kết nối các ông lớn trên thế giới ngồi lại bàn về tương lai thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã có cuộc gặp chớp nhoáng và một một cái bắt tay nhận được sự quan tâm của cả thế giới
Được biết, bên cạnh những hoạt động cấp cao then chốt trong chương trình làm việc của Hội nghị thượng đỉnh APEC, nhiều cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo các nước đã diễn ra bên lề hội nghị. Một trong những cuộc gặp đầu tiên phải kể đến đó cuộc hội đàm bên lề APEC của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa cho biết, ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về vấn đề Triều Tiên trong cuộc gặp song phương của hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị APEC tại Việt Nam ngày 10/11.
Chia sẻ với báo giới sau cuộc gặp với Tổng thống Putin tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Abe cho biết ông và nhà lãnh đạo Nga đã nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ về vấn đề Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, đã đến lúc phải gây áp lực tối đa đối với Triều Tiên, đồng thời đề nghị với ông chủ Điện Kremlin rằng Nga nên đóng “vai trò lớn hơn” trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Đáp lại, Tổng thống Putin nói rằng ông rất hài lòng khi mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển thông qua đối thoại chính trị tích cực và bước tiến về hợp tác kinh tế.
Ngày 11/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có các cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Hội nghị Cấp cao APEC, để thảo luận về cải thiện quan hệ song phương và tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tên lửa và hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, tại cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in, hai nhà lãnh đạo Trung – Hàn đã nhất trí sớm bình thường hóa các trao đổi song phương trên mọi lĩnh vực cũng như tăng cường đối thoại chiến lược song phương.
Trong khi đó, tại cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên nhất trí thúc đẩy các nỗ lực cải thiện quan hệ song phương. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản hiện nay cần thêm các nỗ lực để khăng khít hơn nữa.
Được biết, đây là cuộc gặp thứ 6 kể từ khi hai nhà lãnh đạo lên nắm quyền năm 2012. Tuy nhiên, ông Abe và ông Tập Cận Bình chưa từng có cuộc thảo luận kéo dài nào trong khuôn khổ một chuyến thăm chính thức.
Cũng trong ngày 11/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte lần đầu tiên bên lề Hội nghị Cấp cao APEC ở Đà Nẵng.
Ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cho biết, cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Duterte diễn ra "ngắn ngủi nhưng ấm áp và thân mật". Hai nhà lãnh đạo đều cảm thấy hài lòng khi cuối cùng cũng gặp nhau.
Tổng thống Duterte cũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc gặp này, nhà lãnh đạo Nga cho biết Moscow sẵn sàng tăng cường hợp tác về kỹ thuật quân sự với Manila.
Theo ông Putin, mặc dù quan hệ kinh tế giữa Nga và Philippines vẫn còn khá yếu, song xu hướng tăng trưởng đã bắt đầu xuất hiện gần đây. Về phần mình, Tổng thống Duterte gửi lời cảm ơn tới người đồng cấp Nga vì sự hỗ trợ kịp thời của Moscow giúp Philippines đánh bại các phiến quân thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở thành phố Marawi phía nam. Trước đó, Nga đã chuyển cho Philippines 5.000 khẩu súng AK và 20 xe quân sự để hỗ trợ cuộc chiến chống phiến quân.
Một cuộc gặp đặc biệt phải kể đến đó là một cuộc trò truyện ngắn giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump. Mặc dù không có cuộc gặp chính thức nào giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump, nhưng một cuộc gặp chớp nhoáng và một một cái bắt tay của hai ông lại nhận được sự quan tâm của cả thế giới.
Trái với hình ảnh ông Putin và ông Obama trước đây với cái bắt tay “lạnh nhạt nhất lịch sử”, cái bắt tay của ông Trump và Putin thể hiện một sự thay đổi hoàn toàn khác. Người đứng đầu Nhà Trắng vui vẻ bắt tay, chạm nhẹ vào người Putin và mỉm cười rất hiếu khách. Ông Putin cũng rất vui vẻ đáp lại.
Ngoài ra, hai ông đã có một cuộc trò chuyện ngắn khi đang đi bộ song hành trước ống kính máy ảnh tại khu nghỉ dưỡng diễn ra APEC. Ngay lúc đó, Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn một tuyên bố chung về Syria.
Theo đó, Hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết về chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Syria và kêu gọi các bên liên quan tham gia các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu tại Geneva, đồng thời nhắc lại sự cần thiết phải tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.