Những quan chức có nhiệm kỳ “đoản thọ” trong chính quyền của Tổng thống Trump
Thế giới - Ngày đăng : 16:37, 21/08/2017
Theo CNN, sự ra đi của ông Steve Bannon là lần thay đổi nhân sự mới nhất trong chính quyền của Tổng Tống Trump. Với việc sa thải chiến lược gia trưởng Steve Bannon, thì 4 trong số 5 thành viên cao cấp có mặt cùng Tổng thống Trump trong bức ảnh chụp hồi tháng 1 tại phòng Bầu Dục khi tổng thống Mỹ điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã phải rời nhiệm sở.
Bức ảnh đó được một nhiếp ảnh gia Nhà Trắng chụp vào ngày 28/1, khi đó có 4 quan chức cấp cao nhất quy tụ quanh tổng thống Trump và Phó tổng thống Mike Pence, tạo nên hình ảnh của một vòng tròn trung thành. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay chỉ 2 người là còn ở lại Nhà Trắng đó là ông Trump và ông Mike Pence.
Vẫn biết công việc ở văn phòng quyền lực nhất thế giới vô cùng áp lực và chuyện quan chức Nhà Trắng thôi việc sẽ có lúc xảy ra. Nhưng điều đáng chú ý là tốc độ "luân chuyển cán bộ" của ông Trump quá nhanh đến mức đáng kinh ngạc.
Người đầu tiên rời khỏi Nhà Trắng là cố vấn an ninh Michael Flynn (57 tuổi). Ông Flynn từng giữ chức vụ Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ và đã làm nhiệm vụ cố vấn cho ông Trump về an ninh quốc gia nhiều tháng trở lại đây.
Trong quân đội, ông được biết tới như một chuyên gia tình báo sắc sảo và thẳng thắn. Ông từ chức hôm 13/2 sau khi thông tin ông có quan hệ mật thiết với chính phủ Nga bị tiết lộ. Ông được cho là có nói chuyện với Đại sứ Nga tại Washington, ông Sergey Kislyak, về việc tháo dỡ các lệnh trừng phạt Mỹ đang áp đặt lên Nga.
Theo chân ông Flynn là phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer và Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus. Trong khi ông Sean Spicer từ chức do bất đồng với chính sách nhân sự của Tổng thống Trump, ông Reince Priebus bị thay thế bởi cựu tướng 4 sao John Kelly với kỳ vọng siết chặt kỷ cương Nhà Trắng.
Nhân sự mới nhất phải ra đi dưới thời ông Trump là Steve Bannon, chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng. Sự ra đi của ông Bannon được cho là xuất phát từ mâu thuẫn giữa ông này với các trợ lý khác trong chính quyền Trump.
4 quan chức cấp cao nhất quy tụ quanh tổng thống Trump và phó tổng thống Mike Pence
Được bổ nhiệm làm giám đốc chiến dịch tranh cử vào giữa tháng 8/2016, ông Bannon đã giúp tỷ phú giành được chiến thắng áp đảo trước bà Hillary Clinton, người luôn dẫn trước Trump trong các cuộc thăm dò trước bầu cử.
Vị thế của ông tiếp tục được củng cố sau khi ông Trump đắc cử, Bannon được tân tổng thống bổ nhiệm là một trong 4 cố vấn hàng đầu ở Nhà Trắng.
Những ngày đầu ở Cánh Tây, Bannon rất được ông Trump trọng dụng. Mỗi quyết định lớn của chính quyền Trump đều có bóng dáng Bannon. Bannon được mệnh danh là "Ông trùm Nhà Trắng”, là người thiết lập kế hoạch hành động của tổng thống trong tuần đầu tiên ở Nhà Trắng.
Bannon cùng cấp phó của mình là Stephen Miller cũng để dấu ấn rõ nét trong sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi của tổng thống. Bannon cũng tác động đến quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thậm chí hồi tháng 1, "cánh tay phải" của tổng thống còn được xếp chỗ trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), cơ quan cố vấn quan trọng nhất về an ninh. Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Bannon còn được người ta gọi là "tổng thống trong bóng tối".
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng Bannon đã sai lầm khi ngủ quên bên chiến thắng. Ông xuất hiện nổi bật quá mức so với vai trò là một cố vấn âm thầm. Một trong những lý lẽ quan trọng của ông Trump là không ai có thể cao hơn sếp, và ông Bannon vì thế mà thất sủng.
Theo Washington Post, sự ra đi gần đây nhất của ông Bannon cũng chính là chiến thắng của tân Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly. Khi Bannon, người đưa quan điểm dân túy và chống toàn cầu hóa từ trang tin bảo thủ Breitbart News tới Nhà Trắng, đã tồn tại ở Cánh Tây lâu hơn đối thủ là cựu Chánh văn phòng Reince Priebus. Nhưng cuối cùng ông cũng chỉ trụ được chưa tới 1 tháng sau khi John Kelly được bổ nhiệm làm tân chánh văn phòng Nhà Trắng và thiết lập trật tự mới.
Đồng thời, việc Steve Bannon bị sa thải khỏi vị trí chiến lược gia trưởng cho thấy tổng thống không còn trọng dụng ông và có thể sẽ tách khỏi học thuyết "nước Mỹ trên hết". Cuối cùng, chính bản ngã của Steve Bannon đã mang đến cho ông kết cục ngày hôm nay.
Hồi đầu tuần trước, Tổng thống Donald Trump tỏ ra không hề giấu giếm về chuyện vị trí của Bannon đang lung lay. Sau cuộc trò chuyện với ông Trump trong những ngày gần đây, các đồng minh của tổng thống cho biết ông rất giận dữ khi tác giả Joshua Green, trong cuốn sách mới phát hành “The Devil’s Bargain", đã tung hô Bannon là người làm nên chiến thắng cho Trump trong cuộc bầu cử 2016.
Lúc đó, khi được hỏi liệu ông có còn tin tưởng vào chiến lược gia trưởng của mình hay không, Tổng thống Trump trả lời một cách phũ phàng: "Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy đến với Bannon".
Sau sự ra đi của Bannon, nhiều nhà quan sát trông đợi Nhà Trắng sẽ có quá trình xây dựng và triển khai chính sách chặt chẽ hơn trong tất cả các lĩnh vực bao gồm thuế, thương mại, sức khỏe. Tuy nhiên, một số người bày tỏ quan ngại sa thải Bannon sẽ làm gia tăng quyền lực cho các nhân vật ôn hòa hơn như Cohn, Kushner và Ivanka Trump.
Tới thời điểm hiện tại, Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump có tỷ lệ thay đổi nhân sự trong năm đầu tiên nhiều hơn so nhiều với các vị tổng thống Mỹ khác trong lịch sử hiện đại. Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều bất thường cho một vị tổng thống trong thời kỳ khó khăn của chính quyền. Hoặc cũng có thể vị cựu doanh nhân vẫn chưa quên được thói quen loại bỏ nhân viên cho đến khi tìm được tài năng thực sự.