Các cường quốc sẽ "phản công" như thế nào trước sự thách thức của Triều Tiên?
Thế giới - Ngày đăng : 14:39, 31/07/2017
Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên – KCNA đưa tin, Triều Tiên hôm 28/7 vừa phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). KCNA cho biết thêm, ICBM đã bay 47 phút, 12 giây trước khi rơi xuống đúng khu vực đã định. Tên lửa đã đạt được độ cao 3,724km.
KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố, vụ thử mới cho thấy khả năng phóng tên lửa bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào của Bình Nhưỡng, đồng thời khẳng định toàn bộ đất liền nước Mỹ nằm trong tầm tấn công của Bình Nhưỡng.
Xét về tầm của tên lửa, ước tính của Triều Tiên phù hợp với các tính toán của Lầu Năm Góc. Mỹ cho hay, tên lửa của Triều Tiên đã bay được khoảng 1.000km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.
Kể từ năm 2009, Triều Tiên đã đẩy mạnh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo sau khi nước này tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ từ năm ngoái đến năm nay, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ phóng tên lửa. Bình Nhưỡng được cho là đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ Sáu. Riêng từ đầu năm đến giờ, Triều Tiên đã thực hiện hơn 10 vụ phóng tên lửa, trong đó có nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Với vụ phóng thử tên lửa mới đây, Triều Tiên như đang muốn thử thách sức mạnh của các cường quốc
Sự thách thức cao độ và không ngừng nghỉ của Triều Tiên khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại, và làm các cường quốc đứng ngồi không yên. Vì vậy, chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên thực hiện vụ thử tên lửa mới nhất, Mỹ và Hàn Quốc cũng nhanh chóng đáp trả bằng một vụ phóng tên lửa tương tự.
Vụ phóng tên lửa là nhằm tái khẳng định năng lực của liên minh Mỹ và Hàn Quốc trong việc có thể “tấn công chính xác vào giới lãnh đạo của kẻ thù”, tuyên bố của Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc cho hay.
Ngoài đòn đáp trả trên, giới chức quân sự Mỹ và Hàn Quốc còn thảo luận về các lựa chọn "quân sự” để đáp trả vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Riêng Hàn Quốc đã đề nghị Mỹ cấp thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức vào hồi tháng 5 với lập trường hòa dịu với nước láng giềng Triều Tiên. Ông Moon đã không ít lần thể hiện sự phản đối với kế hoạch triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tuy nhiên, với sự thách thức ngày một lần tới của Bình Nhưỡng, ông Moon rõ ràng đã thay đổi lập trường. Tổng thống Hàn Quốc đang thúc giục Mỹ cung cấp thêm hệ thống THAAD.
Trong khi đó, Nhật Bản đã tổ chức họp khẩn vì vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Sau cuộc họp này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, hành động của Bình Nhưỡng thể hiện rõ ràng họ là một mối đe dọa thực sự và rất nghiêm trọng. Tokyo kêu gọi các nước khác như Mỹ, Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc tăng cường gây áp lực hơn nữa lên Bình Nhưỡng.
Ngay sau khi Triều Tiên thử tên lửa ra biển Nhật Bản vào tối 28/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã tung ra cảnh báo sắc lạnh bằng tuyên bố "thực hiện tất cả các bước đi cần thiết".
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, Washington sẽ thực hiện tất cả các bước đi cần thiết để đảm bảo an ninh đất nước và bảo vệ các đồng minh trong khu vực.
Tổng thống Trump đã chỉ trích vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây nhất của Bình Nhưỡng, và cho rằng sự kiện này là hành động nguy hiểm, liều lĩnh nhất của chính quyền Triều Tiên.
Chính quyền Tổng thống Trump cho biết thêm, Washington phản đối tuyên bố của chính quyền Triều Tiên rằng, những vụ thử tên lửa trên là để đảm bảo an ninh của Bình Nhưỡng, nhưng thực tế chúng có tác động ngược lại. Ngoài việc đe dọa thế giới, những loại vũ khí và những vụ thử tên lửa ngày càng cô lập Triều Tiên, làm suy yếu nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.