Bị cáo trong vụ nâng điểm thi ở Hà Giang trần tình tại Tòa
Pháp đình - Ngày đăng : 14:21, 15/10/2019
Nhận danh sách trong khoảng 3 - 4 ngày thì được nâng điểm
Mở đầu phiên tòa sáng nay, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang.
Bị cáo Hoài trả lời các câu hỏi trước HĐXX
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài tiếp tục khẳng định không nhận tiền của ai khi nâng điểm cho thí sinh, cũng không được hứa hẹn gì về vật chất. Trong số 47 người nhờ Hoài nâng điểm cho 93 thí sinh, có khoảng một nửa trong số này bị cáo quen biết.
Trước những câu trả lời trên, đại diện VKS đặt câu hỏi vì sao có những người không quen biết mà vẫn giúp nâng điểm, Hoài một mực khẳng định không nhận bất cứ lợi ích vật chất nào. Đại diện VKS nói: “Lời khai của bị cáo không hợp lý. Không thể có chuyện tự nguyện giúp đỡ cả những người không quen biết”.
Trả lời về vấn đề này, bị cáo Hoài cho biết, có những trường hợp bị cáo không quen biết phụ huynh nhưng quen biết người nhờ vả.
Nói về cuộc trao đổi giữa Hoài và Vũ Trọng Lương tại nhà riêng của Hoài sau khi sự việc bị lộ và có nguy cơ bị khởi tố, Hoài cho biết mình và cấp phó chỉ “tâm sự” nói về cuộc sống, Lương nói sẽ thuê luật sư và đã hủy danh sách các thí sinh, ngoài ra không có nói chuyện gì khác.
Theo lời khai của Lương tại cơ quan điều tra (CQĐT): “Anh Hoài bảo cứ lôi chị Chính (bị cáo Triệu Thị Chính – PV) vào cuộc. Con chúng mày thi vào trường chuyên không đỗ, bây giờ đi nhờ”. Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Hoài phủ nhận nội dung này, buộc VKS phải nhắc lại lời khai của chính Hoài tại cơ quan điều tra về nội dung cuộc nói chuyện của Hoài với Lương với ý đồ lôi cấp trên của mình là Phó Giám đốc (PGĐ) Triệu Thị Chính phải chịu tội cùng: “Tao giúp người ta, có ai cho tao đồng nào đâu… khi đã xảy ra thì phải lôi bà Chính vào cuộc…”.
Chưa dừng lại ở đó, đại diện VKS tiếp tục công bố lời khai của Hoài tại CQĐT trong việc đổ tội cho cấp trên của mình là Phó GĐ Sở Triệu Thị Chính: "Tôi nói như thế (nói cần phải lôi bà Chính vào cuộc) vì chị Chính đưa danh sách 13 thí sinh cần nâng điểm môn Ngữ văn nên chị là người khởi xướng. Chị Chính là Trưởng ban chấm thi, là Phó GĐ chịu trách nhiệm giám sát quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm. Cho nên việc Lương sửa bài thi chị Chính phải biết và phải chịu trách nhiệm. Đã có 114 thí sinh bị nâng điểm nên chị Chính cần phải biết".
Sau khi công bố lời khai này, bị cáo Hoài cúi đầu thừa nhận đây chính là lời khai của mình tại CQĐT.
Tại tòa, Hoài tiếp tục khẳng định bị cáo Chính nhờ Hoài nâng điểm cho 13 thí sinh. Sau khi nhận danh sách khoảng 3 - 4 ngày thì được nâng điểm, trong đó có con của bị cáo Phạm Văn Khuông, Phó GĐ Sở GD&ĐT.
Cũng trong phần xét hỏi, trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Chính về câu nói “con chúng mày thi vào trường chuyên không đỗ, bây giờ đi nhờ” khi nói với Lương là ý gì? Bị cáo Hoài cho biết: “Tôi nói câu này với anh Lương (Vũ Trọng Lương) và chị Thơm (Triệu Thị Thơm - chuyên viên phòng khảo thí) vì hai người này có con thi vào trường chuyên của tỉnh và đã nhờ chị Chính. Khi con hai người này không đỗ thì chị Chính đưa tôi danh sách con em cán bộ cần giúp đỡ vào trường chuyên. Ý của tôi là con em những người thân thiết còn chả giúp nữa là giúp những người xa lạ”.
Bị cáo Lê Thị Dung trả lời trước HĐXX
Giúp đỡ mọi người để tạo phúc
Cũng tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Lê Thị Dung, nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang cho biết, khoảng tháng 6/2018, Dung đến nhà riêng của Nguyễn Thanh Hoài để đưa danh sách 5 thí sinh nhờ Hoài nâng điểm thi tốt nghiệp THPT. Sau đó, Dung đưa tiếp danh sách 15 thí sinh còn lại, nâng tổng số thí sinh được nâng điểm thông qua Dung là 20 thí sinh.
Đáng chú ý, trong đó có một thí sinh Nguyễn Văn Du được nâng điểm cao nhất lên đến 37,5, chênh lệch 29,75 điểm so với điểm thực.
Khi nói về lý do cũng như danh sách những người được Dung nhận lời giúp đỡ, Lê Thị Dung tỏ ra là người có phần ngây thơ và hơi thiếu hiểu biết. Dung nói: “Khoảng tháng 6, tôi đến nhà anh Hoài nhờ nâng điểm cho 5 thí sinh. Sau khi về, tôi lại nghĩ ra còn một vài trường hợp nữa. Tôi nghĩ đây đều là chỗ ân nhân của tôi, nếu không giúp được thì tâm can tôi rất áy náy. Lần thứ hai tôi đến nhà anh Hoài, anh Hoài nói không hứa trước, tôi nói cứ giúp được đến đâu thì giúp".
Trong số 12 người nhờ Dung giúp nâng điểm cho 20 thí sinh, bị cáo cho biết đây đều là những người thân thiết như người nhà, người bên gia đình thông gia và ân nhân. Trong số 20 thí sinh có một người cháu ruột của bị cáo sinh năm 1992 là thí sinh tự do, vừa hoàn thành nghĩa vụ công an. Dung nói: “Sau khi Bộ Giáo dục chấm thẩm định tôi mới thấy mình sai nên đầu tháng 9/2018 tôi đã chủ động làm bản tường trình gửi Giám đốc Công an tỉnh và Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra. Sau đó khoảng 2-3 tháng, tôi bị cơ quan An ninh điều tra gọi lên làm việc”.
Điều đáng chú ý là hầu như các thí sinh được nhờ thông qua Dung có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh khác. Bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang nói không rõ nguyên nhân nhưng nếu thí sinh đủ điều kiện thì được thi.
Bị cáo Lê Thị Dung thì cho rằng mình chỉ làm dựa trên mối quan hệ. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng nhất định phải có lý do nào đó. Lê Thị Dung nói: “Người thân của thí sinh nhờ thì tôi cũng chỉ biết giúp thôi, ngoài cháu ruột tôi không biết là các cháu khác thi những môn gì, thi bao nhiêu môn và đăng ký vào trường nào”.
Trước những câu trả lời trên, HĐXX cho rằng “không ai làm điều gì mà không có mục đích cả, bị cáo nói như thế là không có cơ sở. Khi đưa danh sách bị cáo phải biết nguyện vọng của các thí sinh này muốn gì”. Đáp lại điều này, bị cáo Lê Thị Dung lại mang bệnh tật ra để than vãn: “Trước khi nhờ anh Hoài, tôi chỉ nghĩ là sức khỏe của tôi quá bi đát. 10 giáo sư đầu ngành ở Bạch Mai còn không làm gì được, đến khi tôi gặp họ (những người bị cáo cho là ân nhân - PV), tâm nguyện của tôi chỉ nghĩ là giúp đỡ mọi người để tạo phúc cho tôi”.
Dung cho rằng mình chỉ nhờ Hoài trong phạm vi cho phép, chứ chưa bao giờ nói là được nâng bao nhiêu điểm. Bị cáo này nói: “Tôi không bao giờ nghĩ anh Hoài lại nâng điểm nhiều như thế, lúc đó tôi mới nhận ra là mình vi phạm pháp luật”.
Trước lời khai trên của nữ bị cáo Lê Thị Dung, Chủ tọa Vương Thị Thu Hà phân tích: "Cho dù nâng đến nửa điểm cũng là trái pháp luật. Mình phải làm đúng với lương tâm, đạo đức con người mới là tạo phúc”.
Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang
Nhờ nâng điểm vì sợ con trượt tốt nghiêp
Cũng trong phiên tòa sáng nay, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho biết con trai bị cáo là học sinh của trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang, nhưng điều bị cáo lo nhất là con trai trượt tốt nghiệp, và chỉ mong con vượt qua kỳ thi tốt nghiệp để học nghề tại một trường trung cấp nghề nào đó.
Trong vụ án này, bị cáo Khuông không trực tiếp can thiệp nhờ sửa bài thi, nâng điểm cho hàng loạt thí sinh thi tốt nghiệp tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Tuy nhiên, bị cáo bị truy tố về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" do có con trai là một trong 114 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi này với số điểm được nâng lên đến 13,3 điểm.
Trước HĐXX, bị cáo Khuông cho biết mỗi khi nhắc đến chuyện này con bị cáo rất buồn vì bị ảnh hưởng bởi tâm lý, bởi nếu không nâng điểm thì con trai bị cáo vẫn đủ điểm vào trường này. Đây là điều mà bị cáo vô cùng đau lòng, bị cáo vô cùng ân hận về việc này.
Thẩm phán Vương Thị Thu Hà đặt câu hỏi: Đã là học sinh trường chuyên thì phải học giỏi, tại sao lại lo trượt tốt nghiệp? Phải chăng ngày trước con trai bị cáo đã phải “chạy” để vào trường chuyên?
Trước câu hỏi này của vị chủ tọa, bị cáo Khuông nói: “Con bị cáo không chạy vào trường chuyên. Bị cáo chỉ lo tốt nghiệp vì lúc ôn thi có một vài môn cháu không chú tâm lắm, chỉ sợ con trẻ sơ xảy một tí là bị điểm liệt”.
Tiếp tục nói về quá trình “nhờ” cấp dưới là Nguyễn Thanh Hoài, bị cáo Khuông cho biết, trong một bữa cơm liên hoan của cơ quan, bị cáo nói “chỉ lo con trai trượt tốt nghiệp” và Hoài nói “đã hiểu”.
Bị cáo Khuông tiếp tục: “Bị cáo hoàn toàn không nói đến chuyện nâng điểm môn nào, nâng bao nhiêu điểm, chỉ nhờ chung chung vậy thôi”. Mặc dù chỉ “nói chung chung” nhưng kết quả là con trai bị cáo Khuông đã được nâng 13,3 điểm với số điểm tốt nghiệp cao chót vót. Khuông cho biết mình chỉ nói với Hoài như thế, và cho rằng Hoài cũng hiểu cần phải nâng điểm cho con trai mình. Bị cáo Khuông nói: “Đấy là tự nguyện của anh Hoài thôi, bị cáo không có ra lệnh cho anh Hoài”.
Bị cáo Khuông tiếp tục: “Tuy rằng không nói rõ là nhờ nâng điểm, nhưng bị cáo nói như thế là nghĩ rằng anh Hoài hiểu là cần phải nâng điểm cho bị cáo. Bị cáo chỉ mong rằng anh em có quyền đến đâu thì giúp đỡ đến đó”.
Theo bị cáo Khuông, khoảng từ 3/7/2018 trở về trước, có một lần bà Chính gọi cho bị cáo hỏi con trai bị cáo tên là Tuấn Minh hay Minh Tuấn có số báo danh nào. Bị cáo nói “không nhớ, chỉ nhớ 3 số cuối SBD là 384”.
“Bị cáo và anh Hoài tình cảm như anh em nên không có chuyện vật chất gì, bị cáo không đưa cho Hoài bất kỳ cái gì và cũng không hứa hẹn nâng đỡ Hoài trong công tác”, Phạm Văn Khuông khẳng định lại. Tuy nhiên, cuối cùng Khuông vẫn thừa nhận bản chất câu chuyện trao đổi với Hoài là có nhờ Hoài nâng điểm, chỉ có điều không nói rõ hai chữ "nâng điểm".