VKS đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của Hoàng Công Lương
Pháp đình - Ngày đăng : 11:14, 14/06/2019
VKS đề nghị không chấp nhận cho Hoàng Công Lương được hưởng án treo
Theo đại diện VKS, qua xét đơn kháng cáo của bị cáo Hoàng Công Lương, nguyên bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình nhận thấy sau khi xảy ra sự cố bị cáo Lương đã tích cực tham gia cứu chữa, bị cáo có thân nhân tốt,…Các tình tiết giảm nhẹ này đã được ghi nhận ở bản án sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, đã hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân 5 triệu đồng, vì vậy có cơ sở để Lương được hưởng các tình tiết giảm nhẹ mới.
Hoàng Công Lương tại phiên tòa phúc thẩm
Ngoài những tình tiết nêu trên, đại diện VKS cũng cho rằng, trong vụ án này có tới 8 người chết nên không chấp nhận việc xin hưởng án treo của bị cáo Hoàng Công Lương mà chỉ chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo Lương.
Đối với kháng cáo của bị cáo Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, những tình tiết giảm nhẹ đã được ghi nhận tại bản án sơ thẩm.
Theo đó, đại diện VKS cho rằng mức án 36 tháng tù đối với Hoàng Đình Khiếu là phù hợp nên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Đình Khiếu.
Về kháng cáo của bị cáo Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được tòa sơ thẩm ghi nhận. Hiện bị cáo Thắng không còn tình tiết giảm nhẹ nào khác, tại phiên tòa bị cáo cũng không đưa ra được tình tiết nào mới. Vì vậy không chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Với kháng cáo của bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, đại diện VKS nhận định việc truy cứu bị cáo Dương là chính xác, đúng người, đúng tội, bản án sơ thẩm tuyên 30 tháng tù là có căn cứ. Bản án sơ thẩm đã ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ với nguyên Giám đốc Trương Quý Dương.
Theo VKS, hành vi của bị cáo Dương là đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, VKS đề nghị bác kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Trương Quý Dương.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Với kháng cáo của Đỗ Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn, đại diện VKS cho rằng trách nhiệm của Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn là thực hiện đầy đủ nội dung hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, việc thiếu trách nhiệm của bị cáo đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, Đỗ Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm về hành vi thiếu trách nhiệm do mình gây ra. Bản án sơ thẩm tuyên Đỗ Anh Tuấn 30 tháng tù là có cơ sở, không oan, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Do vậy, VKS không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Đỗ Anh Tuấn.
Về phần trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường, tuy nhiên Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc là người của BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn nên hai pháp nhân dân sự này phải có trách nhiệm bồi thường.
Cụ thể, BVĐK tỉnh Hòa Bình phải chịu 70% nghĩa vụ bồi thường, CTCP Dược phẩm Thiên Sơn phải chịu 30% còn lại.
Về kháng cáo của bị đơn dân sự CTCP Thiên Sơn, bản án sơ thẩm buộc Thiên Sơn có trách nhiệm liên đới bồi thường là đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đại diện VKS cũng cho rằng xét đơn kháng cáo của BVĐK tỉnh Hòa Bình xin miễn trách nhiệm hình sự cho Hoàng Công Lương là không có cơ sở.
VKS đề nghị chấp nhận đơn xin giảm nhẹ hình phạt của 9 gia đình bị hại đối với bị cáo Hoàng Công Lương, không chấp nhận đơn xin giảm nhẹ hình phạt của các gia đình nạn nhân đối với Trương Quý Dương, Đỗ Anh Tuấn vì bản sán sơ thẩm đã ghi nhận việc này.
Như vậy, đại diện VKS đề nghị không chấp nhận đơn kháng cáo của Trần Văn Thắng, Hoàng Đình Khiếu, Đỗ Anh Tuấn, Trương Quý Dương; đề nghị chấp nhận một phần đơn kháng cáo của đại diện người bị hại về xin giảm hình phạt cho bị cáo Hoàng Công Lương; đề nghị chấp nhận một phần đơn kháng cáo của Hoàng Công Lương, giảm hình phạt cho bị cáo Hoàng Công Lương ở mức án từ 36 -39 tháng tù.
Trước đó, tại phiên tòa chiều qua (13/6), khi trả lời câu hỏi của luật sư về việc vì sao người nhà của 9 nạn nhân vụ chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình chỉ viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lương mà không xin cho các bị cáo khác, ông Đinh Văn Tính (đại diện cho các gia đình bị hại, bố đẻ của nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng) đặt lại câu hỏi:
Ông Đinh Văn Tính (đại diện cho các gia đình bị hại, bố đẻ của nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng)
“Tôi hỏi các bị cáo, các bị cáo có đi tù 3-4 năm rồi lại trở về sống hạnh phúc với gia đình, nhưng con tôi có trở về không? Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người chết, mà trong vụ án này chúng tôi là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.”
Lý giải vì sao các gia đình bị hại không xin giảm án cho các bị cáo khác, ông Đinh Văn Tính cho rằng bởi vì các gia đình đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo.
“Đó là cái tâm của chúng tôi, bản án sơ thẩm đã tuyên với các bị cáo, tôi cho rằng hợp tình hợp lý rồi. Trong khung hình phạt, việc quy định tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, có bị cáo còn được tuyên dưới khung hình phạt rồi.
“Chính vì vậy tôi đề nghị HĐXX nếu phiên phúc thẩm này các bị cáo đưa ra các tình tiết giảm nhẹ mới thì chúng tôi đồng ý, còn nếu không thì chúng tôi không đồng ý vì sơ thẩm đã xét rồi”.
Ông Đinh Văn Tính nêu quan điểm: “Chúng tôi nén đau thương 2 năm rồi, mất mát 2 năm rồi, trường hợp như quý vị có con chết như con tôi thì như thế nào, quý vị nói đi ạ”.
Nói về bị cáo Hoàng Công Lương, ông Tính một lần nữa khẳng định một năm có 12 tháng thì có tới 6 tháng bệnh nhân chạy thận ở bệnh viện, nên họ coi coi bệnh viện như ngôi nhà thứ hai, từ đó các gia đình đều có chung nhận định bị cáo Hoàng Công Lương là bác sỹ trẻ có y đức, ông Tính nhắc lại :“Còn những bị cáo khác, chúng tôi đã có tâm xin ở sơ thẩm rồi”.
Tuy nhiên, luật sư trưng ra việc ngày 14/2/2019, các gia đình nạn nhân đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị y tế).
Đáp lời vị luật sư, ông Tính nói: “Tôi tin rằng ai có tâm người ấy có, trong nhận thức của chúng tôi bị cáo Thắng đã được chúng tôi xin trong phiên sơ thẩm rồi.”
Luật sư hỏi lại: “Trong phiên sơ thẩm gia đình các bị hại không hề có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo Thắng, đơn viết sau phiên tòa sơ thẩm”.
Ông Tính tiếp tục: “Đến bây giờ chúng tôi thấy việc đó là hợp tình hợp lý rồi. Lúc đó bị cáo Thắng chưa có cái tâm nên chúng tôi không xin.”
Trước câu trả lời của ông Tính, luật sư tiếp tục: “Được biết, sau phiên sơ thẩm, bị cáo Thắng đã đến thắp hương cho các nạn nhân. Trong khi bị cáo Thắng không có trách nhiệm phải bồi thường, xin hỏi ông, bị cáo Thắng có sự hỗ trợ nào không về tiền cho các gia đình hay không?”
Ông Tính trả lời ông Thắng đến thắp hương cho mỗi gia đình 10 triệu đồng, đồng thời cho rằng đó là cái “tâm” của ông Thắng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm cuối giờ chiều 13/6, ông Đinh Văn Tính bất ngờ xác nhận ngoài Lương, các gia đình nạn nhân xin giảm án cho bị cáo Dương và Đỗ Anh Tuấn.
Trước đó, TAND TP. Hòa Bình đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương 42 tháng tù do phạm tội “Vô ý làm chết người”. Cùng tội danh, Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty Trâm Anh bị tuyên phạt 54 tháng tù. Các bị cáo phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Trương Quý Dương lĩnh án 30 tháng tù, Trần Văn Thắng 36 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu 36 tháng tù, Trần Văn Sơn án 42 tháng tù, Đỗ Anh Tuấn án 30 tháng tù. Sau đó, Hoàng Công Lương đã có 3 đơn kháng cáo với các nội dung như: kêu oan; xin miễn trách nhiệm hình sự; xin xem xét lại tội danh, xin giảm hình phạt và xin được hưởng án treo; Trương Quý Dương; Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng thì có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt. Duy nhất có bị cáo Đỗ Anh Tuấn kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm lần này, bị cáo Lương xin giữ đơn kháng cáo sau cùng, bị cáo đã rút nội dung xin thay đổi tội danh. Như vậy, với quyết định mới nhất này, Lương kháng cáo xin giảm hình phạt và xin được hưởng án treo. |