Đại diện Sở Y tế Hòa Bình: "Không nhất thiết phải xét nghiệm AAMI sau sửa chữa hệ thống RO"
Pháp đình - Ngày đăng : 14:19, 17/01/2019
Trong phần xét hỏi sáng nay, các luật sư đã hỏi ông Hoàng Công Tình, bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh Hòa Bình để làm rõ nội dung liên quan đến việc có hay không sự cần thiết trong xét nghiệm AAMI ngay sau khi sửa chữa xong hệ thống nước RO.
Trả lời các câu hỏi của luật sư, ông Hoàng Công Tình nói: “Sau khi sự cố xảy ra, tôi rất băn khoăn về tiêu chuẩn nước RO và đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu. Tôi được biết sau khi sửa chữa hệ thống RO, xét nghiệm AAMI là xét nghiệm khuyến cáo và không bắt buộc”. Theo ông Tình, cái bắt buộc sau sửa chữa cho đến nay là chỉ xét nghiệm hóa chất tồn dư.
Các bị cáo tại tòa
Về việc sửa chữa hệ thống vào ngày 28/5/2017, ông Hoàng Công Tình nói ông không được biết nội dung hợp đồng. Nhưng nếu hợp đồng có nội dung ghi cần xét nghiệm và chờ 14 ngày thì lúc đó bệnh viện, phòng vật tư và khoa điều trị phải có kế hoạch chuyển bệnh nhân. Theo ông Tình, xét nghiệm AAMI phải chờ 14 ngày, như vậy hệ thống RO phải dừng 14 ngày nhưng chưa có tài liệu nào và chưa có nhà khoa học nào trao đổi rằng phải chờ xét nghiệm và sau 14 ngày hệ thống mới có thể hoạt động được.
Theo ông Tình giải thích hệ thống RO không được phép dừng quá 1 ngày. Đường ống dẫn nước RO là hệ thống rất nhiều ống nước đi xung quanh các phòng bệnh, nếu dừng quá 1 ngày, có nguy cơ nước trong ống sẽ hình thành mảng bám, phát sinh vi khuẩn, rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Chính vì vậy, ở Việt Nam, hệ thống này gần như liên tục hoạt động, chỉ nghỉ vào ngày chủ nhật.
Theo bác sỹ Hoàng Công Tình, nước RO được sử dụng cho máy chạy thận cung cấp cho các bộ phận gồm: Cung cấp để rửa hệ thống quả lọc thận của bệnh nhân tái sử dụng cho bộ lọc, rửa máy và thử máy thận trước khi chạy thận cho bệnh nhân, sử dụng để trộn với dung dịch đậm đặc mà bệnh viện đã nhập từ các đơn vị theo tỷ lệ nhất định để dùng lọc máu cho bệnh nhân và nói về vấn đề liên quan đến việc bác sỹ ra y lệnh, ông Tình cho biết việc bác sỹ ra y lệnh lọc máu giống như lệnh điều trị thuốc, những vật tư đi kèm không phải là nhiệm vụ của bác sỹ.
Trước đó, trong phần xét hỏi cuối giờ chiều ngày (16/1), HĐXX, đại diện VKS và các luật sư đã đặt một số câu hỏi đối với bà Bùi Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, được triệu tập đến Tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đại diện cho cơ quan quản lý về mặt hành chính của BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, trả lời các câu hỏi của Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh về việc Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương ra quyết định thành lập Đơn nguyên lọc máu (hay còn gọi là Đơn nguyên thận nhân tạo) là đúng hay sai?
Trước câu hỏi này, Phó Giám đốc Sở Y tế Bùi Thu Hằng cho biết, trước thực tế mỗi năm có khoảng 15 nghìn lượt chạy thận trên địa bàn toàn tỉnh, các bệnh nhân rất vất vả khi phải về Bệnh viện Bạch Mai mới có thể chạy thận; Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 1816 về chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới để bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại tuyến dưới.
Căn cứ vào yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai đã khảo sát và chuyển giao kỹ thuật cho BVĐK tỉnh Hòa Bình, đồng thời cử 3 cán bộ lên hỗ trợ BVĐK tỉnh trong 3 tháng đầu. Bà Hằng khẳng định: “Dựa trên điều kiện thực tế, Giám đốc Bệnh viện hoàn toàn có quyền thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo. Việc thành lập khoa thì phải báo cáo Sở Y tế, nhưng thành lập những tổ, đơn nguyên thì không phải báo cáo. Không có quy định nào bắt buộc phải báo cáo”.
Tuy nhiên, trước câu trả lời này, Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh đã công bố Công văn 6466 năm 2018 của Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình. Nội dung Công văn khẳng định: “Không có quy định nào cho phép thành lập như vậy. Việc BVĐK tỉnh Hòa Bình tự ý thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo là không đúng với quy định của pháp luật”.
Giải thích cho sự mâu thuẫn giữa hai Sở trong cùng một địa bàn tỉnh, bà Hằng cho rằng mỗi ngành có một đặc thù riêng: “Sở Nội vụ căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, tuy nhiên ngành y tế cũng có những quy định đặc thù riêng. Tôi không trả lời về căn cứ pháp lý mà trả lời trên căn cứ thực tế”.
Cũng theo đại diện của Sở Y tế, căn cứ kết quả đào tạo và chuyển giao cũng như điều kiện thực tế, BVĐK tỉnh hợp đồng với Công ty Thiên Sơn là hoàn toàn phù hợp với Thông tư 15 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện liên doanh liên kết trong khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, theo định kỳ hàng năm Sở Y tế tỉnh Hòa Bình tiến hành thanh tra thường xuyên 2 lần, ngoài ra có thể có kiểm tra đột xuất. Việc thanh tra đã từng làm một lần năm 2014. Bà Hằng nói: “Thanh tra cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế nhưng chúng tôi không thể nhớ hết được”. Tuy nhiên, trong lần thanh tra này, Sở Y tế không chỉ ra bất kỳ sai phạm gì trong việc liên doanh liên kết giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình. HĐXX đề nghị bà Hằng cung cấp kết luận thanh tra năm 2014 ngay trong tuần này.
Về sự cố tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, bà Hằng cho biết, sau khi sự cố xảy ra, đã có cuộc họp Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế do bà Hằng là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn. Cuộc họp này có 7 người, gồm các cán bộ có liên quan, có hiểu biết về lĩnh vực chạy thận, trong đó có 4 chuyên gia của BV Bạch Mai. Bà Hằng cho biết: “Hội đồng chuyên môn khi đó chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân, nhưng khẳng định đây không phải là sốc phản vệ, sốc phản vệ không thể xảy ra hàng loạt như thế. Hội đồng khẳng định về quy trình chuyên môn cũng như đánh giá những hỗ trợ của tuyến trên, những cách xử lý khi xảy ra sự cố”.
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn, quy trình chạy thận là đúng theo quy trình BV Bạch Mai đã chuyển giao. Đại diện Sở Y tế tiếp tục cho biết: “Nguyên nhân là ngộ độc qua đường máu và chúng tôi cũng nghĩ nhiều đến chất lượng nguồn nước RO. Sốc phản vệ không thể xảy ra hàng loạt đối với nhiều bệnh nhân...Hướng xử lý sự cố của Bệnh viện là đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật".
Cũng trong phần xét hỏi, trả lời luật sư Nguyễn Danh Huế, luật sư đại diện cho bị đơn dân sự BVĐK tỉnh Hòa Bình, bà Bùi Thu Hằng, Phó GĐ Sở Y tế Hòa Bình nói: "Không nhất thiết phải tiến hành xét nghiệm AAMI sau sửa chữa hệ thống RO".