TAND TP. Cần Thơ: Thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự
Tòa án - Ngày đăng : 17:58, 08/11/2018
Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có ông Trần Văn Cò, Thẩm phán TANDTC. Về phía địa phương có ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Thiên, Thành ủy viên, Chánh án TAND TP. Cần Thơ cho biết, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại TAND, góp phần giảm áp lực số lượng vụ việc Tòa án phải giải quyết thông qua mở phiên tòa xét xử, giảm số lượng vụ việc cơ quan THADS phải tổ chức cưỡng chế thi hành án, tiết kiệm chi phí thời gian, công sức của các cơ quan tư pháp, đương sự, Nhà nước và toàn xã hội, Tp. Cần Thơ đã thành lập 6 trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND thành phố và 5 quận, huyện gồm: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, Thới Lai. Các hòa giải viên, đối thoại viên được ưu tiên lựa chọn từ những thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên về hưu, chuyên viên pháp lý và những người có ưu tín trong xã hội.
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang trao quyết định thí điểm đổi mới công tác hòa giải đối thoại cho Chánh án TAND Tp Cần Thơ
Theo quy định hòa giải viên, đối thoại viên là người đứng ở vị trí trung lập, khách quan để hỗ trợ các bên thỏa thuận, không cung cấp những lời khuyên có lợi cho một bên nhưng lại gây bất lợi cho bên còn lại. Hòa giải viên, đối thoại viên phải giữ bí mật không tiết lộ nội dung thương lượng trong phiên hòa giải, đối thoại nếu không có sự đồng ý bằng văn bản không yêu cầu giữ bí mật của các bên đương sự, trừ trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em hoặc một bên đang có nguy cơ bị bạo hành thân thể.
Không được sử dụng lời khai một bên hoặc những lời khai khác, tham gia hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính hoặc các tố tụng khác. Việc hòa giải, đối thoại có thể thành hoặc không thành, các bên không được coi hòa giải viên, đối thoại viên là người làm chứng, không được yêu cầu hòa giải viên, đối thoại viên tham gia quá trình tố tụng tại Tòa án hoặc khiếu nại hành chính để giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
Trên cơ sở thành công bước đầu của thí điểm tại Hải Phòng, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao cho TANDTC tiếp tục triển khai thí điểm tại Hải Phòng và mở rộng thí điểm tại một số tỉnh, thành phố bảo đảm tính đại diện vùng miền, nông thôn, đô thị.
Thực hiện Kết luận nêu trên, TANDTC đã lựa chọn được 16 địa phương để mở rộng và kéo dài thí điểm, trong đó có TP. Cần Thơ. Bảo đảm phù hợp với chủ chương của Đảng về cải cách tư pháp, phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hiệu quả hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chia sẻ kinh nghiệm trong hòa giải, đối thoại.
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang tặng hoa cho Trưởng ban Ban chỉ đạo thí điểm
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp thành phố cho biết, TP. Cần Thơ vui mừng được TANDTC lựa chọn là một trong những tỉnh, thành phố trong cả nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND. Ban thường vụ Thành ủy đề nghị các cấp các ngành, các cơ quan chức năng của thành phố nghiêm túc quán triệt, đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện trong thời gian tới để công tác của toà án nói chung, công tác hòa giải đối thoại nói riêng ngày càng nâng cao chất lượng hiệu quả và đạt kết quả tốt.
Ông Phạm Văn Hiểu đề nghị các cơ quan chức năng ban ngành Tp Cần Thơ phải bám sát sự chỉ của Ban cải cách tư pháp Trung ương, hướng dẫn của TANDTC, tập trung tổ chức quán triệt tuyên truyền sâu rộng trong các cấp các ngành và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại, góp phần giữ gìn ổn định trật tự xã hội, sự đoàn kết trong nhân dân. Việc triển khai thí điểm đổi mới công tác hòa giải đối thoại phải được thực hiện nghiêm túc, phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, phù hợp với quy định của pháp luật, đúng đúng quy định về chi tiêu tài chính, không làm phát sinh thêm biên chế.
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị đồng chí Lê Hồng Quang, Phó Chánh án TANDTC cho biết, hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đơn vị nhà nước và toàn thể xã hội, hạn chế kháng cáo, kháng nghị, giảm tải công tác xét xử của tòa án. Đồng thời kết quả hòa giải, đối thoại thành góp phần hàn gắn mâu thuẫn trong xã hội, tạo sự đoàn kết trong nhân dân.
Cần Thơ là một trong những thành phố phát triển năng động và từ đó dẫn đến việc phát sinh nhiều loại tranh chấp, trong đó có việc tranh chấp dân sự cũng như khiếu kiện hành chính ngày càng phức tạp. Năm 2017, TAND hai cấp TP. Cần Thơ đã thụ lý 7.967 vụ việc tăng 10% so với 2016 trong khi biên chế không tăng dẫn đến việc quá tải. Do vậy, TANDTC đã lựa chọn TAND Tp Cần Thơ thực hiện thí điểm.
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND và Ban chỉ đạo thí điểm của Tp Cần Thơ chỉ đạo sát sao, hỗ trợ kinh phí, tuyên truyền khuyến khích người dân lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại; Ban cán sự Đảng TAND Tp Cần Thơ tiếp tục quán triệt chỉ đạo của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC về thí điểm đổi mới công tác hòa giải, nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo và TANDTC xem xét, giải quyết; đề nghị các hòa giải viên, đối thoại viên trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm thực hiện nghiêm túc nguyên tắc, quy chế của công tác hòa giải, đối thoại.
Tại hội nghị Ban tổ chức đã công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm về đổi mới công tác hòa giải, đối thoại do ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Tp Cần Thơ làm Trưởng ban.