Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại TAND
Tòa án - Ngày đăng : 16:59, 17/05/2018
Ban chỉ đạo Đề án do Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền làm Trưởng ban và trực tiếp nghiên cứu, xây dựng Đề án. Các thành viên Ban chỉ đạo gồm Thẩm phán TANDTC, Chánh án TAND TP Hải Phòng; lãnh đạo Vụ Pháp chế- Quản lý khoa học, Vụ Hợp tác quốc tế, các Vụ giám đốc kiểm tra, Học viện Tòa án; đại diện VKSNDTC, Bộ Tư pháp...
Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền chủ trì phiên họp
Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền nêu rõ: thực hiện chủ trương của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, lãnh đạo TANDTC đã xây dựng thí điểm kế hoạch về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TP Hải Phòng. Từ cuối tháng 3/2018 đến nay, việc thí điểm kế hoạch về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại 9 TAND cấp huyện thuộc TP Hải Phòng và tại TAND TP Hải Phòng đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Trên cơ sở thành công đó, lãnh đạo TANDTC có Quyết định số 40/QĐ-TANDTC ngày 19/4/2018 ban hành kế hoạch xây dựng Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND; đồng thời ban hành Quyết định số 634/TANDTC-TCCB ngày 14/5/2018 thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Sau một thời gian nghiên cứu, Ban chỉ đạo đã xây dựng dự thảo Đề án và tổ chức đóng góp ý kiến và dự thảo.
Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND đã nêu rõ thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về hòa giải các tranh chấp dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính tại TAND; thực tiễn về hòa giải và những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh - thương mại, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính.
Chánh án TAND TP Hải Phòng nêu kết quả thí điểm hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng
Bên cạnh đó, Đề án nêu những kinh nghiệm hòa giải tại Tòa án của Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đề án cũng đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, quan điểm chỉ đạo; việc thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thẩm quyền, thời điểm, chủ thể tiến hành hòa giải, đối thoại; thù lao của Hòa giải viên, Đối thoại viên; việc công nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Để tổ chức thực triển khai chủ trương trên, Đề án cũng nêu lên các giải pháp để thực hiện. Theo đó cần phải xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; sửa đổi, bổ sung một số quy định về hòa giải của Bộ luật TTDS; sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối thoại của Luật TTHC; củng cố cơ sở vật chất, kiện toàn đội ngũ Hòa giải viên, Đối thoại viên...
Đại diện Học viện Tòa án đóng góp ý kiến vào Đề án
Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo cơ bản đồng tình với dự thảo Đề án, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến đối với nội dung Đề án. Các ý kiến cho rằng Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND là vấn đề mới, khó, khối lượng công việc rất lớn. Vì vậy, Đề án cần được kết cấu cụ thể hơn, nêu rõ hơn về cơ sở khoa học, chính trị pháp lý, cơ sở thực tiễn, nguồn kinh phí, công tác tổ chức cán bộ, mô hình thực hiện...
Quang cảnh phiên họp thứ nhất
Kết luận phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo Đề án, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc tổng hợp các ý kiến đóng góp để bổ sung, sửa đổi dự thảo Đề án. Theo lộ trình, Ban chỉ đạo sẽ cử các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm về hòa giải, đối thoại tại những nước tiên tiến, tổ chức các hội thảo để đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Đề án trong tháng 8/2018. Theo kế hoạch, tháng 9/2018, TANDTC sẽ trình Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND để xem xét thông qua.