Tháo gỡ từ thượng đỉnh
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 08:33, 18/04/2019
Để xử lý vướng mắc này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến về các khó khăn, trở ngại trong triển khai các dự án BT, báo cáo Thủ tướng nhằm sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT.
Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần đối chiếu những khó khăn, vướng mắc với các quy định pháp luật có liên quan, chẳng hạn: Hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá, vì sao không đấu giá; lý do không thể đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất; hình thức thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất; tính pháp lý của việc sử dụng quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng vì chưa được coi là tài sản công để thanh toán.
Vào đầu tháng 4, Thường trực Chính phủ đã họp về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã tập trung thảo luận về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau như hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá, không thông qua đấu giá và việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất. Vướng mắc lớn hiện nay là quan điểm đấu giá đất hay thanh toán ngang giá.
Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), qua kiểm toán 3 dự án BT bao gồm: dự án đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (chủ đầu tư là Công ty CP Tasco); dự án xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên (chủ đầu tư là Công ty CP Him Lam) và dự án xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên (đoạn trên địa phận Hà Nội, chủ đầu tư là Công ty CP Comaland), đã xác định giá trị hợp đồng 3 dự án chỉ là hơn 2.693 tỉ đồng. Thế nhưng, tổng mức đầu tư dự kiến của 3 dự án này được công bố là hơn 4.421 tỉ đồng, như vậy chênh lệch tới 1.727 tỉ đồng.
KTNN chỉ ra khoản chênh lệch này là do việc xác định sai khối lượng, sai đơn giá, sai định mức; xác định chưa đúng chế độ, chưa hợp lý, chưa phù hợp với quy định của hợp đồng BT về các khoản mục chi phí. Đáng lưu ý, một trong nhưng lý do chênh lệch là cách tính giá đất. Hiện nay, việc thanh toán ngang giá được UBND cấp tỉnh, thành phố xác định theo Nghị định 44 năm 2014 về giá đất. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giá đất này chưa sát thị trường, gây thất thoát tài sản công. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, nếu đã đấu giá đất thì tiền thu được phải đưa vào ngân sách để đầu tư theo Luật Đầu tư công. Như vậy, hình thức BT sẽ không còn tồn tại.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục tháo gỡ, hoàn thiện Nghị định với tinh thần bảo đảm tính thực tiễn để đi vào cuộc sống, nhằm phát huy tác dụng phát triển kinh tế đất nước, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế 2019 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính chặt chẽ về pháp lý để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghị định phải mở ra không gian tốt để sử dụng nguồn lực phát triển đất nước nên cần sớm ban hành Nghị định này với quy trình đầu tư BT rõ ràng hơn, có sự giám sát tốt hơn, đồng thời phải theo nguyên tắc thị trường, chống tham nhũng, tiêu cực.
Rõ ràng đây là sự tháo gỡ từ thượng đỉnh!