TAND huyện Mộc Châu: Tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm qua các phiên tòa lưu động

Tòa án địa phương - Ngày đăng : 21:18, 02/10/2020

Trước vấn đề an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn huyện Mộc Châu có nhiều diễn biến phức tạp, các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình có chiều hướng tăng, nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan tư pháp hết sức nặng nề.

Theo đó, trao đổi với PV Báo Công lý, Thẩm phán Lương Long Bình, Chánh án TAND huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cho biết, giai đoạn từ năm 2015 đến ngày 29/2/2020, TAND huyện Mộc Châu đã thụ lý tổng số 3.610 vụ, tăng 1.767 vụ so với giai đoạn năm 2010 - 2014.

 TAND huyện Mộc Châu: Tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm qua các phiên tòa lưu động

Chánh án Lương Long Bình trao đổi với PV Báo Công lý về tình hình hoạt động của đơn vị

Cụ thể, trong năm năm 2019, tổng số thụ lý 712 vụ (trong đó hình sự 204 vụ; dân sự 31 vụ; hôn nhân gia đình 212 vụ; biện pháp xử lý hành chính 265 vụ), đã giải quyết, xét xử 706 vụ (trong đó hình sự 203 vụ; dân sự 27 vụ; hôn nhân gia đình 211 vụ; biện pháp xử lý hành chính 265 vụ), đạt tỉ lệ giải quyết, xét xử 99,4% so với tổng số thụ lý; vượt chỉ tiêu năm là 9,4%.

Năm 2020 (từ 1/12/2019 đến ngày 29/2/2020), tổng số thụ lý 216 vụ (trong đó hình sự 24 vụ; dân sự 17 vụ; hôn nhân gia đình 67 vụ; biện pháp xử lý hành chính 108 vụ), đã giải quyết, xét xử 181 vụ (trong đó hình sự 21 vụ; dân sự 2 vụ; hôn nhân gia đình 50 vụ; biện pháp xử lý hành chính 108 vụ), đạt tỉ lệ giải quyết, xét xử 83,8% so với tổng số thụ lý.

Số lượng án trung bình mỗi Thẩm phán đã giải quyết, xét xử là 112 vụ/ năm, vượt 86,6% so với định mức quy định của TANDTC. Số lượng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án: 1.272 bản án, quyết định...

Tổ chức xét xử lưu động các vụ án điểm

Từ ngày 1/7/2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành; các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014.

 TAND huyện Mộc Châu: Tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm qua các phiên tòa lưu động

Tập thể lãnh đạo, cán bộ TAND huyện Mộc Châu tiếp đoàn công tác do Chánh án tỉnh Hủa Phăn, Lào dẫn đầu

So với các TAND huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La, TAND huyện Mộc Châu là đơn vị có số lượng họp xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính cao trong toàn tỉnh, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019, TAND huyện Mộc Châu đã thụ lý, giải quyết 1.059 hồ sơ đề nghị xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính, tỷ lệ giải quyết đạt 100%, không có trường hợp nào bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Tuy đây là một hoạt động tư pháp mới của Tòa án so với giai đoạn 2010 - 2014 nhưng TAND huyện Mộc Châu đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa ra các biện pháp giải quyết hiệu quả, kể cả là ngày nghỉ nếu có hồ sơ chuyển đến thì Thẩm phán, Thư ký đều khắc phục khó khăn để việc giải quyết các hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc kịp thời.

TAND huyện Mộc Châu đã chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng cùng cấp và chính quyền địa phương để tổ chức xét xử lưu động các vụ án trọng điểm và điển hình về các tội như Tàng trữ, mua bán, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; Cố ý gây thương tích, Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, Trộm cắp tài sản... tại các xã, thị trấn của huyện Mộc Châu.

Đặc biệt, năm 2015 đã xét xử lưu động được 17 vụ với 15 bị cáo; năm 2016 xét xử lưu động được 24 vụ với 29 bị cáo; năm 2017 xét xử lưu động được 15 vụ với 29 bị cáo. Bên cạnh đó, TAND huyện Mộc Châu đã phối hợp với Đài Truyền thanh, truyền hình của huyện Mộc Châu tổ chức tuyên truyền bằng tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số, tại các phiên tòa thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, đặc biệt là phiên tòa xét xử tội phạm về ma túy.

Thông qua việc xét xử các phiên tòa lưu động đã góp phần phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng tại địa bàn huyện Mộc Châu, đặc biệt là tại các xã, bản vùng sâu vùng xa, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương, góp phần nâng cao ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm trong nhân dân. 

 TAND huyện Mộc Châu: Tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm qua các phiên tòa lưu động

 TAND huyện Mộc Châu chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19

Kiên trì hòa giải

Được biết đến là một huyện miền núi biên giới có nhiều dân tộc cùng chung sống trình độ dân trí không đồng đều. Địa bàn rộng, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, hệ thống hạ tầng chưa phát triển trong khi đó đây là trọng điểm về ma túy của toàn quốc, an ninh quốc phòng diễn biến rất phức tạp nên công tác, xác minh thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật hết sức khó khăn.

Nhiều trường hợp Thẩm phán, Thư ký, cán bộ Tòa án còn bị đương sự đe dọa, không hợp tác, gây khó trong việc giải quyết án. Tuy nhiên, TAND huyện Mộc Châu đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các già làng, trưởng bản có uy tín, kiên trì hòa giải, tuyên truyền giải thích pháp luật cho nhân dân hiểu rõ các quy định của pháp luật đồng thời phân công những Thẩm phán, Thư ký thông thạo tiếng dân tộc, hiểu phong tục tập quán giải quyết các vụ việc có đương sự là người dân tộc thiểu số.

Vì vậy tỷ lệ giải quyết án của TAND huyện Mộc Châu dần được nâng cao, từ năm 2015 đến ngày 29/02/2020 Tòa án Mộc Châu đã thụ lý 1.320 vụ việc; đã giải quyết 1.282 vụ, đạt tỉ lệ giải quyết 97,1%. Đặc biệt là tỷ lệ hòa giải thành và công nhận sự thỏa thuận của các đương sự từ năm 2015 đến ngày 29/02/2020 là 902/1.282 vụ việc, đạt tỷ lệ 70,4% so với số vụ việc dân sự phải giải quyết.

Đối với các vụ việc về dân sự, tổng thụ lý 208 vụ; đã giải quyết 181 vụ, đạt tỷ lệ 87%. Trong số các vụ việc về dân sự đã giải quyết có 58 vụ là hòa giải thành. Đối với các vụ việc về Hôn nhân và gia đình, tổng thụ lý 1.177 vụ; đã giải quyết 1.149 vụ, đạt tỷ lệ 97,6%. Trong số các vụ việc về hôn nhân gia đình đã giải quyết, có 892 vụ là công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự và đình chỉ vụ án do Tòa án tiến hành hòa giải nên các đương sự trở về đoàn tụ gia đình…

Bên cạnh đó, những hoạt động, công tác khác cũng được phía Tòa án chú trọng, quan tâm, không ngừng phấn đấu và học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, từ năm 2015 đến năm 2019 tại TAND huyện Mộc Châu có tổng số 9 giải pháp sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng sáng kiến kinh nghiệm của TAND tỉnh Sơn La công nhận.

 TAND huyện Mộc Châu: Tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm qua các phiên tòa lưu động

Chánh án TAND huyện Mộc Châu tặng quà cho người dân bản Tà Số trong một đợt mưa đá xảy ra tại địa phương

Các giải pháp sáng kiến, kinh nghiệm đều đã được áp dụng đạt hiệu quả cao. Điển hình như “Sáng kiến nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại TAND huyện Mộc Châu”; “Một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng hủy án dân sự, án hôn nhân gia đình của TAND huyện Mộc Châu” của đồng chí Trần Thị Hiến. Hay sáng kiến “Nâng cao chất lượng xét xử đối với các vụ án hình sự về ma túy”; “Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp, báo cáo” của đồng chí Tăng Thị Hải Oanh…

Các sáng kiến trên được áp dụng tại TAND huyện Mộc Châu và đạt hiệu quả cao, được duy trì áp dụng từ năm 2015 cho đến nay. Các sáng kiến đều được Hội đồng xét duyệt sáng kiến TAND tỉnh Sơn La công nhận. Hội đồng thi đua khen thưởng TAND tỉnh Sơn La đã trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở cho các đồng chí có sáng kiến được công nhận.  

Mạnh Hùng