Cần phải kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn
Chính trị - Ngày đăng : 14:29, 17/09/2020
Rà soát trên 8.779 văn bản
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn về xây dựng, hoàn thiện thể chế, trọng tâm là hệ thống pháp luật.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát số lượng lớn văn bản, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý nhiều quy định để phù hợp với Hiến pháp năm 2013; hệ thống hóa để xác định và công bố chính xác các văn bản QPPL đang còn hiệu lực trên cả nước, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Mục đích của việc rà soát này là nhằm phát hiện các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp
Phạm vi rà soát là các văn bản QPPL của các cơ quan Trung ương đang còn hiệu lực tính đến ngày 30/6/2020 (trừ Hiến pháp). Trọng tâm là các lĩnh vực pháp luật tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.
Kết quả rà soát cho thấy, tổng số văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ tiến hành rà soát là rất lớn, gồm 8.779 văn bản QPPL được ban hành đến hết ngày 30/6/2020, còn hiệu lực, thuộc thẩm quyền ban hành của các cơ quan từ cấp Bộ trở lên. Qua đó, đã phát hiện nhiều nội dung quy định trong các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, trong số 8.779 văn bản rà soát đó có 249 bộ luật, luật; 43 nghị quyết của Quốc hội; 44 pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; 1.163 nghị định của Chính phủ; 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6.414 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Trong số này có: 28 nội dung quy định trong 41 văn bản quy phạm pháp luật được nhận định là có mâu thuẫn, chồng chéo; 64 nội dung quy định trong 77 văn bản QPPL được nhận định là có bất cập, không phù hợp thực tiễn.
Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản QPPL cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất…
Phần thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đồng tình với đánh giá của Chính phủ về mâu thuẫn, chồng chéo hay bất cập, không phù hợp thực tiễn theo như phân tích. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, việc đánh giá cần được tiến hành hết sức thận trọng vì có liên quan, tác động đến nhiều mặt xã hội. Mỗi nhận định, đánh giá cần phải hết sức cụ thể, rõ ràng, có lập luận chặt chẽ, thuyết phục, phương án xử lý phù hợp, khả thi.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan khác của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ hơn việc khắc phục những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo về công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh năm 2019 cũng như các năm từ 2014 đến nay, nhất là các giải pháp để khắc phục triệt để việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng và triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản
Theo Ủy ban Pháp luật, tình trạng nợ đọng văn bản, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết nhưng so với các năm trước thì số lượng nợ văn bản quy định chi tiết có xu hướng tăng lên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp
Đến ngày 31/8/2020, còn 32/103 (31%) văn bản nợ chưa ban hành, trong đó có 06 văn bản đã chậm hơn 01 năm. Ngoài các nguyên nhân đã được Chính phủ chỉ ra trong Báo cáo, trong một số trường hợp, việc chậm trễ là do vướng mắc trong các khâu thực hiện thủ tục để ban hành văn bản. Bên cạnh đó, vẫn có một số văn bản được phát hiện có dấu hiệu trái luật qua công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Do vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị đánh giá đầy đủ hơn nội dung này gắn với các trường hợp cụ thể còn nợ đọng văn bản, làm rõ tác động của việc tự kiểm điểm đối với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết; đồng thời, cần có chế tài xử lý trách nhiệm nghiêm khắc hơn theo đúng yêu cầu của nghị quyết của Quốc hội, không nên coi việc không xem xét khen thưởng là hình thức xử lý trách nhiệm.
Đối với công tác kiểm tra văn bản, đề nghị báo cáo cụ thể hơn về số lượng văn bản đã được kiểm tra trong năm qua cũng như kết quả xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được nêu trong báo cáo.
Về đội ngũ người làm công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ cũng cho biết, tại thời điểm 15/8/2019 còn 2.402 người làm công tác pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật theo yêu cầu của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Do đó, Chính phủ đã đề ra giải pháp triển khai các lớp đào tạo văn bằng 2 chuyên ngành luật cho những người thuộc diện nói trên. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho biết, Chính phủ chưa đề cập nội dung này vào báo cáo nên cần phải bổ sung.
Ủy ban Pháp luật kiến nghị các cơ quan liên quan cần nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, bảo đảm chất lượng, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Cụ thể, khi dự kiến quy định vấn đề mới, khác với hiện hành cần phải tiến hành rà soát kỹ các văn bản pháp luật có liên quan để trình, sửa đổi đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, bảo đảm đúng tiến độ; chú trọng bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong quá trình thẩm định.
Đối với các nội dung có vướng mắc, bất cập nhưng chủ yếu do nhận thức pháp luật chưa thống nhất, do tổ chức thực hiện hoặc do các yếu tố kỹ thuật không làm ảnh hưởng đến bản chất của nội dung cần điều chỉnh, thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân và có biện pháp phù hợp để hướng dẫn thực hiện thống nhất.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao báo cáo và kết quả rà soát văn bản QPPL của Chính phủ. Báo cáo cũng đã phân tích, đánh giá những mặt làm được, chỉ rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của công tác này. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây.