Việc đánh giá tình hình tham nhũng gặp nhiều khó khăn do chưa có Bộ tiêu chí cụ thể
Chính trị - Ngày đăng : 23:13, 16/09/2020
Biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm 334.548 người
Trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Lĩnh vực Nội vụ, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương; đã ban hành 6 nghị định, 3 Nghị quyết và đang tiếp tục hoàn thiện để ban hành 4 nghị định về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cán bộ, công chức.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp
Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh, xác định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ; giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó; sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc.
Việc phân cấp, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ với chính quyền địa phương từng bước được hoàn thiện, hợp lý hơn; trên cơ sở quy định khung, điều kiện cụ thể, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng thu gọn đầu mối; thí điểm hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện”
Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng Kế hoạch biên chế công chức, thẩm định biên chế sự nghiệp hàng năm của Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021 tinh giản tối thiểu là 10% biên chế giao năm 2015. Tính đến năm 2020, biên chế do Chính phủ quản lý đã giảm được 334.548 người; so với yêu cầu của Bộ Chính trị thì trong năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người.
Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 99/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Tình hình bước đầu đã có chuyển biến tích cực, giảm cả về số vụ, số người chết và tài sản thiệt hại.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của các các Ủy ban của Quốc hội cũng chỉ ra việc còn tình trạng tăng tổ chức sau khi sắp xếp; công tác tổ chức cán bộ vẫn còn những sai phạm. Việc thực hiện biên chế của ngành giáo dục còn nhiều vướng mắc; việc tinh giản biên chế trong ngành y tế chưa được giải quyết theo lộ trình. Việc hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu.
Chưa có bộ tiêu chí đánh giá tham nhũng
Về lĩnh vực Thanh tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung giải quyết các vụ khiến nại, tố cáo, nhất là các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài. Đối với 16 vụ việc còn tồn đọng từ năm 2016, đến nay có 14 vụ việc đã được các cơ quan chức năng thực hiện theo kế hoạch; có 2 vụ việc đang tiếp tục rà soát, giải quyết.
Toàn cảnh phiên họp
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được thúc đẩy, có chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền năm 2019 đạt cao (86,2%) so với năm 2016 (78,6%). Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm.
Các ủy ban của Quốc hội khi thẩm tra cũng đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn cho tài sản của nhà nước được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng. Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại các địa phương được sử dụng hiệu quả.
Tuy nhiên, Báo cáo chưa đánh giá theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về “Thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng”. Việc sửa đổi, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo chưa kịp thời. Vẫn còn vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài đang được tiếp tục rà soát, giải quyết mặc dù đã hơn 08 năm từ khi đưa vào kế hoạch. Việc đánh giá tình hình tham nhũng tại các bộ, ngành còn gặp nhiều khó khăn do chưa có Bộ tiêu chí cụ thể.