Đánh chìm tàu Nhật Bản mắc cạn ở Mauritius gây sự cố tràn dầu
Chuyển động - Ngày đăng : 15:55, 25/08/2020
Nagashiki Shipping, công ty sở hữu MV Wakashio, cho biết hôm 25/8 rằng họ đã hoàn thành việc đánh chìm phần trước của con tàu trên biển ngày 24/8 theo chỉ dẫn của chính quyền địa phương.
Trước đó, Ủy ban quốc gia xử lý khủng hoảng của Mauritius ngày 24/8 cũng thông báo đã thực hiện thành công việc cho chìm phần thân vỡ của tàu MV Wakashio mắc cạn và gây sự cố tràn dầu ở vùng biển của nước này. Theo đó, vào lúc 15h30 ngày 24/8, phần tàu vỡ không còn được nhìn thấy trên mặt biển.
Tuy nhiên, Tổ chức Hòa bình Xanh phản đối phương án đánh chìm tàu vỡ này. Channel News Asia cho biết, tổ chức này hồi tuần trước đã cảnh báo việc đánh chìm con tàu sẽ gây gây tác hại đối với hệ sinh thái biển và ô nhiễm đại dương với một lượng lớn độc tố kim loại nặng.
Hơn 1.000 tấn dầu đã tràn vào vùng biển nguyên sơ từ lâu đã trở thành điểm thu hút chính cho các kỳ nghỉ trăng mật, đồng thời chứa các rặng san hô và rừng ngập mặn quý giá.
Phần thân tàu bị gãy đã được đánh chìm
Tuần trước, một nhóm các nhà khoa học Anh đã đến để phối hợp đánh giá tác động về những thiệt hại đã gây ra cho hòn đảo và cách giúp hệ sinh thái phục hồi.Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế từ Nhật Bản và Pháp cũng có mặt để hỗ trợ quốc gia quần đảo này trong bối cảnh dầu tràn.
Tàu MV Wakashio thuộc sở hữu của công ty vận tải biển Nagashiki của Nhật Bản, bị mắc cạn tại một rạn san hô ở phá Pointe d'Esny ngoài khơi đảo quốc Mauritius ngày 25/7 khi đang trên hành trình từ Trung Quốc đến Brazil.
Hai tuần sau đó, tàu bắt đầu rò rỉ dầu. Tiếp đó, đến ngày 16/8, Mitsui OSK Lines, công ty vận hành tàu MV Wakashio, thông báo con tàu đã bị vỡ đôi.
Theo Mitsui OSK Lines, trên tàu MV Wakashio có hơn 4.000 tấn nhiên liệu, trong đó khoảng 1.180 tấn đã tràn ra biển. Mauritius đã ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường trong khi các nhóm cứu hộ, với sự góp sức của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, chạy đua với thời gian để bơm hút gần 3.000 tấn dầu còn lại trên tàu. Công việc này gần như hoàn tất trước khi tàu bị vỡ đôi vào ngày 16/8.
Ngày 18/8 vừa qua, 2 tàu lai dắt bắt đầu kéo phần nửa tàu vỡ lớn hơn ra biển cách bờ 15km và cho chìm xuống độ sâu 3.180m. Phần còn lại nhỏ hơn vẫn mắc kẹt ở rạn san hô nơi tàu vỡ. Cùng ngày, thuyền trưởng và thuyền phó của tàu này đã bị bắt giữ .
Chính phủ Mauritius tuyên bố sẽ yêu cầu chủ sở hữu tàu trên và hãng bảo hiểm bồi thường về "tất cả những tổn thất và thiệt hại" liên quan thảm họa tràn dầu.
Quốc đảo Mauritius ở Ấn Độ Dương có khoảng 1,3 triệu dân, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài nguyên biển để cung cấp nguồn thực phẩm và phát triển du lịch sinh thái. Mauritius nổi tiếng là một điển hình thành công vừa bảo tồn vừa phát triển, là điểm đến ưa thích đối với những người yêu thiên nhiên. Sự cố trên bị coi là một thảm họa đối với cả môi trường và kinh tế của Mauritius. Các nhà khoa học cho biết tác động đầy đủ của vụ tràn dầu vẫn đang được xác định nhưng thiệt hại có thể ảnh hưởng đến quốc đảo này trong nhiều thập kỷ.
Hiện các quan chức vẫn chưa tiết lộ lý do tại sao con tàu đang trên đường từ Singapore đến Brazil, lại đến gần hòn đảo như vậy.