Các bị cáo trong vụ bé trai tử vong trên xe đưa đón của trường Gateway được giảm án
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 19:54, 11/08/2020
Bị hại trong vụ án là cháu Lê Hoàng L. (sinh ngày 13/6/2013, trú tại chung cư Trung Yên Plaza, số 1 phố Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội - là học sinh lớp 1 Tokyo, Trường Tiểu học Gateway, thuộc Trường phổ thông liên cấp Gateway).
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay
Trước đó, trong hai ngày 14 - 15/1, TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên án phạt hai bị cáo Nguyễn Bích Quy (SN 1964, nhân viên giám sát trên xe của Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Ngân Hà) 24 tháng tù và Doãn Quý Phiến (SN 1966, lái xe ôtô đưa đón học sinh Trường Tiểu học Gateway) 15 tháng tù về cùng tội “Vô ý làm chết người”.
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy (SN 1990, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường Tiểu học Gateway) bị Tòa tuyên phạt 12 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài án phạt tù ra, bị cáo Thủy còn bị HĐXX tuyên cấm đảm nhiệm chức vụ giáo viên trong thời hạn một năm.
Sau khi án sơ thẩm tuyên, cả ba bị cáo trong vụ án đều làm đơn kháng cáo. Bị cáo Nguyễn Bích Quy làm đơn kháng cáo cho rằng mình không phạm tội “vô ý làm chết người”. Bị cáo Doãn Quý Phiến đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh và hình phạt đối với bị cáo. Bị cáo Nguyễn Thị Thủy kháng cáo vì cho rằng mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã tuyên là quá nặng đối với bị cáo. Bị cáo Thủy cũng mong muốn Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm có cơ hội được trở lại làm việc, cống hiến cho xã hội, chuộc lại lỗi lầm đã gây ra.
Ngoài ba bị cáo kháng cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này là Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Ngân Hà cũng làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại mức bồi thường dân sự.
Công ty Ngân Hà cho rằng việc Tòa cấp sơ thẩm tuyên buộc công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường 249 triệu đồng cho gia đình bị hại thay cho cả bị cáo Nguyễn Bích Quy và bị cáo Doãn Quý Phiến là không đúng quy định của pháp luật.
Sau khi xem xét toàn diện bản án sơ thẩm cùng diễn biến tại phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, lời khai của bị cáo Quy và Phiến phù hợp với lời khai của bị hại, chứng cứ và tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã thể hiện nội dung vụ án như bản án sơ thẩm đã nêu.
Tại phiên tòa, bị cáo Phiến thừa nhận không kiểm tra xe ô tô, bị cáo Quy nhiều lần thay đổi lời khai nhưng căn cứ vào các lời khai cùa các bị cáo, chứng cứ trong vụ án, biên bản thực nghiệm điều tra, các biên bản giám định tử thi… đã đủ cơ sở cho thấy việc truy tố và xét xử 2 bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bị cáo Quy đã thiếu ý thức, thiếu kiểm tra, giám sát trong việc đưa đón học sinh; bị cáo Phiến không kiểm tra xe trước khi rời khỏi xe… nên 2 bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi của mình. Hành vi được thực hiện do lỗi vô ý nên việc kết luận tội danh như cấp sơ thẩm đã tuyên là đúng pháp luật.
Bị cáo Thủy đã thiếu trách nhiệm, dù biết rõ cháu Long vắng mặt nhưng không thông báo cho gia đình cháu Long, gián tiếp dẫn đến cái chết của cháu bé; xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của nhà trường, gây hậu quả nghiêm trọng.
Xét nội dung kháng cáo, HĐXX thấy bị cáo Quy có nhiều lời khai thể hiện đã nhận được thông tin tập huấn nhưng do bận không tham gia, điều này thể hiện bị cáo phải có trách nhiệm với công việc được giao. Tuy nhiên, bị cáo không điểm danh, không kiểm tra xe sau khi học sinh xuống xe; lỗi chính là do bị cáo khiến cháu bé bị bỏ quên trên xe.
Xét kháng cáo của bị cáo Phiến, HĐXX thấy bị cáo là người lái xe, không thực hiện đúng trách nhiệm của người lái xe, không kiểm tra xe sau khi sử dụng. Tuy nhiên, bị cáo đã ăn năn, hối cải, đã bồi thường cho gia đình nạn nhân, nên HĐXX chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nhưng hành vi đó là nguy hiểm cho xã hội nên không có cơ sở cho bị cáo được hưởng án treo.
Bị cáo Thủy phải chịu trách nhiệm cho sự thiếu trách nhiệm của mình, tuy nhiên bị cáo phạm tội lần đầu, đã cùng nhà trường bồi thường cho gia đình bị hại; nên HĐXX quyết định cho bị cáo cải tạo ngoài xã hội.
Với nhận định và phân tích nêu trên, HĐXX cấp phúc thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bích Quy, nhân viên giám sát trên xe của công ty TNHH Vận tải và du lịch Ngân Hà - công ty Ngân Hà mức án 21 tháng tù và bị cáo Doãn Quý Phiến, lái xe đưa đón học sinh Trường tiểu học Gateway lĩnh án 10 tháng tù cùng về Tội “Vô ý làm chết người”.
Riêng bị cáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường tiểu học Gateway lĩnh án 12 tháng tù nhưng bị cáo này được cho hưởng án treo vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
HĐXX cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử đối với Công ty Ngân Hà.
Theo bản án sơ thẩm, vào khoảng 6h ngày 6/8, bị cáo Phiến lái ô tô Ford Transit 16 chỗ mang BKS 29B-069.56 đón bà Quy để đi đón 13 học sinh trường Gateway, trong đó có cháu Lê Hoàng L. Sau khi đủ học sinh lên xe, Phiến lái ôtô tới trường Gateway có trụ sở số 89 Khúc Thừa Dụ, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội). Tới trường, Phiến dừng ôtô ở cổng phụ và vẫn ngồi ở ghế lái, bị cáo Quy mở cửa cho các cháu xuống. Sau đó, Quy bế và dắt 2 bé sinh đôi xuống trước vì cháu quấy. Lúc sau, bị cáo Quy không kiểm tra bên trong xe còn học sinh hay không mà đóng ngay cửa xe, để quên cháu L. trong ôtô. Tài xế Phiến cũng không kiểm tra lại mà lái ôtô về ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền gửi, dừng đỗ tại đây. Đến chiều cùng ngày, khi đón các học sinh về, bị cáo Quy phát hiện cháu L. nằm bất tỉnh trong ôtô, sau ghế lái. Mặc dù không kiểm đếm học sinh khi xuống xe nhưng bị cáo Quy vẫn ghi vào sổ nhật ký xe bus là học sinh đi thực tế là 13, không có học sinh xuống muộn dẫn đến để quên cháu L. trên ôtô. |