Tổng thống Trump “tình nguyện” là người đầu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ
Chuyển động - Ngày đăng : 19:00, 23/07/2020
Hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên đeo khẩu trang trong đại dịch COVID-19
Tuyên bố trên đã được người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News mới đây.
Trong cuộc trò chuyện với bác sĩ nội khoa Marc Siegel, cộng tác viên cho chuyên mục sức khỏe của Kênh truyền hình Fox News (Mỹ), Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng trở thành người đầu tiên ở Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau khi hoàn thành việc phát triển loại vaccine này, hoặc là người cuối cùng, nếu cần.
Cụ thể, khi bác sĩ Marc Siegel hỏi, liệu ông Trump có dám trở thành một trong những người đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay không, ông đã trả lời rằng: “Quý vị cũng biết, mọi chuyện thường xảy ra như thế này. Nếu tôi tiêm vaccine đầu tiên, mọi người sẽ nói: Ông ấy thật ích kỷ đến mức muốn tiêm vaccine trước”.
Tuy nhiên theo ông, những người khác chắc chắn sẽ thừa nhận rằng đó là “một hành động rất dung cảm”.
“Nếu họ muốn tôi làm điều này, nếu họ nghĩ rằng điều đó đúng, tôi chắc chắn sẽ là người đầu tiên hoặc là người cuối cùng được tiêm vaccine”, Tổng thống Trump nói thêm.
Trước đó, Tổng thống Trump thừa nhận rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ có thể sẽ tồi tệ hơn, đồng thời kêu gọi người dân nước này tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Ngoài ra, ông nói rằng trong tháng Bảy này sẽ có hai loại "vaccine tiềm năng" của Mỹ ngừa COVID-19 đang bước vào giai đoạn cuối của các thử nghiệm lâm sàng.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 15.341.253 ca, trong đó có 625.077 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 9.327.811 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 63.588 ca và 5.388.365 ca đang điều trị tích cực.
Hiện nay, Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới với liên tiếp các số liệu kỷ lục bị phá.