Phải đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế

Chính trị - Ngày đăng : 19:55, 18/06/2020

Chiều 18/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Cần những quy định nghiêm ngặt

Làm thế nào để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ và quản lý nhà nước về môi trường; Việc thanh kiểm tra cần có quy định cụ thể để không tạo cơ chế “hành” doanh nghiệp, là những vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu tán thành với việc dự thảo luật quy định theo hướng tích hợp nhiều nội dung cấp phép riêng lẻ vào giấy phép môi trường (GPMT). Tuy nhiên, cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực một phần, tước quyền sử dụng, thu hồi hoặc cấp lại GPMT; thẩm định cấp GPMT, thời điểm cấp GPMT nhằm bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng; xem xét việc bổ sung quy định thời hạn tối thiểu của GPMT.

Phải đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế

Đại biểu Nguyễn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh)

Về phân loại đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (ĐTM) và phân loại dự án đầu tư thực hiện ĐTM, cần phân định chi tiết hơn nữa các nhóm dự án và trình tự thủ tục cho từng nhóm dự án thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ ĐTM và đối tượng không phải thực hiện đánh giá sơ bộ ĐTM để dễ thực hiện; đồng thời phải thống nhất nội dung này với các quy định trong Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư công và Luật PPP.

Thảo luận về quy chuẩn kỹ thuật môi trường (QCKT), tiêu chuẩn môi trường, các đại biểu cho rằng cần sửa đổi theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn để bảo vệ tốt hơn sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, đây là vấn đề có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thu hút đầu tư, do đó đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định về việc xây dựng QCKT chất thải; rà soát quy định bảo đảm rõ ràng, cụ thể trong nguyên tắc áp dụng QCKT môi trường đối với chất thải, quản lý chất thải để các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động lựa chọn phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh, giảm thiểu rủi ro.

ĐB Đặng Hoàng Tân- Bình Định đề nghị xem xét kỹ thanh tra, kiểm tra đột xuất để quy định phù hợp với Luật Thanh tra, quy định rõ số lần, tránh tình trạng áp dụng tùy tiện gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp; hạn chế tối đa cơ chế “xin-cho”..

Theo ĐB, Luật BVMT là luật khung nên cần có hướng dẫn từ các luật chuyên ngành của nhiều cơ quan bộ khác nhau, nên làm thế nào đó để không tạo ra sự xung đột pháp luật. Xác định thẩm quyền với chế tài xử phạt cho rõ để tạo sự công bằng. Rà soát luật này về xử phạt với Luật xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về hình sự, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về đầu tư…

Phải hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế

Các ý kiến cũng cho rằng, môi trường có quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng nhưng cũng có những tiêu chuẩn chung toàn cầu mà chúng ta cần phải tiếp cận. Nhìn rộng ra thấy rằng môi trường đầu tư hiện đang đặt ra nhiều vấn đề, nếu làm không kỹ lưỡng sẽ là rào cản hội nhập. Luật BVMT cần phải thể hiện rõ được quan điểm đó.

Về nội dung cụ thể, dự thảo Luật lần này quy định rất nhiều chính sách, thủ tục hành chính về môi trường, như cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, kiểm toán môi trường, định giá các bon, hạn ngạch xả thải…. nên làm sao đó để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng các quy định của luật này trong cuộc sống. Phải có giai đoạn nghiên cứu đánh giá tác động của luật vì các quy định mới về xả thải, phác thải khí nhà kính,… sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của nhiều DN như thế nào.

Phải đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà

Vì vậy đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn những vấn đề liên quan đến hồi tố hoặc lộ trình thực hiện những nội dung liên quan đến vấn đề mới về môi trường. Nếu không sẽ gây khó khăn cho phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Các ý kiến cho rằng quy định về Giấy phép môi trường tại K1 Điều 46 còn chung chung, chưa xác định định lượng cụ thể khối lượng chất thải rắn, khối lượng chất thải nguy hại, lưu lượng nước thải, khí thải… sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về môi trường, về cấp phép. Thời hạn cấp giấy phép môi trường cũng nên là 5 năm là không phù hợp. Vì vậy đề nghị kéo dài 10 năm cho phù với vòng đời thiết bị máy móc và lộ trình nâng cấp dự án.

Môi trường là vấn đề chúng ta cần có chế tài để quản lý môi trường tốt hơn, ứng phó với biến đổi trong tình hình mới ở cả góc độ do chúng ta tăng trưởng kinh tế dẫn tới tác động như chất thải, môi trường ô nhiễm vẫn cần cơ chế để quản lý. Phải đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng: Sự cố Fomosa đã làm thức tỉnh về bảo vệ môi trường, Thủ tướng đã có chỉ thị 25/2016 để xử lý vấn đề này và bắt tay soạn thảo để có dự luật hôm nay. Vấn đề không chỉ môi trường sống, sản xuất kinh doanh mà ảnh hưởng đến cả môi trường chính trị, xã hội nên đồng tình cao việc xây dựng luật này.

Về thanh kiểm tra môi trường phải giảm để cho DN phát triển, kiểm tra ban đầu rất quan trọng, nhưng khâu tiền kiểm, hậu kiểm cũng không thể xem nhẹ. Về thanh tra tra đột xuất công tác BVMT phải quy đinh điều kiện, tiêu chí cụ thể, tránh tình trạng thanh tra hành doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo luật đã nhận được 132 ý kiến tại tổ, 23 ý kiến tại hội trường.

Những ý kiến của ĐB rất tâm huyết và được nghiên cứu kỹ lưỡng; nhiều nội dung đóng góp có ý nghĩa lớn với công tác bảo vệ môi trường.

Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, đặc biệt là nâng cao tính khả thi, tầm nhìn dài hạn, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, tạo thêm sức mạnh quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường, khắc phục những tồn tại hiện nay.

Mai Thoa