Đề nghị bổ sung thủ tục đặc biệt trong xử lý vi phạm hành chính
Chính trị - Ngày đăng : 14:22, 10/06/2020
Đề nghị quy định thủ tục rút gọn
Thảo luận về dự án luật này, ĐB Nguyễn Phi Long (đoàn Bình Định) đề nghị bổ sung thủ tục hành chính rút gọn để xử lý những tình huống vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng.
ĐB Nguyễn Phi Long (đoàn Bình Định) phát biểu thảo luận
Theo đại biểu nêu: Có trường hợp cá nhân vi phạm, các sở, ban ngành đến lập biên bản vi phạm hành chính về xây dựng, lấn chiếm đất đai, chủ nhà không xuất hiện. Lập biên bản vi phạm xong cơ quan chức năng đi rồi chủ nhà lại quay về tiếp tục vi phạm, hoàn thiện xây dựng, gắn cửa nhà và đương nhiên đoàn thanh tra không thể phá cửa vào nhà. Cơ quan chính quyền lúc đó phải làm rất nhiều thủ tục mới có thể cưỡng chế.
Đại biểu cho rằng, hiện nay luật quy định chặt chẽ nhưng triển khai lại không thực hiện được do nguồn nhân lực có hạn trong khi tình trạng vi phạm rất phổ biến, do vậy trong những trường hợp đặc biệt phải có thủ tục rút gọn để lập biên bản xử lý vi phạm và tổ chức cưỡng chế luôn.
Đại biểu Long cũng đề nghị bổ sung thêm một số quy định mức phạt tối đa, liên quan đến lấn chiếm đất đai, xây nhà trái phép. Theo đại biểu, quy định mức phạt là 500 triệu đồng tối đa hiện nay là không hợp lý. Có tình trạng doanh nghiệp qua phân lô bán nền trên giấy hàng mấy chục ha, mức phạt này quá nhẹ, khiến cho các đối tượng rất “tích cực” giả mạo hồ sơ, quy hoạch, mua đất nông nghiệp để phân lô bán nền…
"Đối với hàng cấm, hàng giả mức phạt đối với cá nhân là 200 triệu cũng phải xem lại. Như vừa rồi dịch Covid-19, doanh nghiệp làm giả khẩu trang thu lợi rất lớn, chưa kể các trường hợp khác thì mức phạt không đảm bảo tính răn đe. Nên đề nghị nâng mức phạt đối với tổ chức, vì cao nhất là 400 triệu vẫn không đảm bảo tính răn đe", ĐB bày tỏ.
Đề nghị quy định mức phạt với bán hàng đa cấp
ĐB Trần Tuấn Anh- Bộ trường Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ này đã có báo cáo gửi Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung về xử lý hành chính đối với kinh doanh đa cấp nhưng không được tiếp thu vào dự thảo Luật.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu thảo luận
Theo Bộ trưởng, kinh doanh đa cấp trong những năm gần đây bị biến tướng nhiều, mặc dù đây là hình thức hoạt động thương mại và được nhiều nước thực hiện, nhưng tại Việt Nam khung pháp lý về vấn đề này còn nhiều bất cập, nên thực tế đã xảy ra tình trạng biến tướng lừa đảo gây thiệt hại lớn cho người dân và xã hội.
Khi xảy ra tình trạng biến tướng lừa đảo trong kinh doanh đa cấp chúng ta đã siết chặt hoạt động này, tuy nhiên trên thực tế, hoạt động đa cấp diễn biến phức tạp rất cần có những điều khoản, quy định chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Biến tướng thường xuyên ở nhiều lĩnh vực, không đơn thuần là bán hàng đa cấp nữa mà còn liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng.
Hiện đã có Nghị định 185 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, cấm…Tuy nhiên Nghị định này không có các quy định cụ thể hoạt động kinh doanh đa cấp là hoạt động thương mại, hay vi phạm trong lĩnh vực thương mại. Vì vậy việc xây dựng mức xử phạt tối đa còn gặp khó khăn.
Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tư pháp quy định bổ sung rõ mức tiền phạt tối đa đối với hoạt động kinh doanh đa cấp với cá nhân là 100 triệu, tổ chức là 200 triệu. Dù mức nhỏ nhưng vẫn có cơ sở để giúp cơ quan quản lý xử lý vi phạm, tuy nhiên, Bộ Tư pháp không tiếp thu nội dung này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị làm rõ cơ chế “phạt nguội” trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nhiều người vi phạm phản ánh việc xử lý “phạt nguội” trong lĩnh vực giao thông thời gian qua là có nhiều vi phạm mà họ không biết là vi phạm. Nên sau một thời gian, có người bị phạt lên hàng trăm triệu trong khi lỗi là vài triệu do nhiều lần vi phạm mà không biết. Vì vậy đại biểu đề nghị cần phải quy định trách nhiệm của người xử lý tránh/hạn chế việc để người vi phạm tái phạm nhiều lần.
"Chúng ta đã có hệ thống xử lý phạt nguội, khi phát hiện vi phạm lần 2 cơ quan xử lý vi phạm có trách nhiệm thông báo với người vi phạm, như vậy mới hợp lý", ĐB nêu.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh cũng kiến nghị, bổ sung các tình huống không bị xử lý vi phạm hành chính, đó là tình huống cấp thiết, phòng vệ chính đáng, tình huống bất ngờ, bất khả kháng… Nhiều trường hợp không xác định được các tình huống này dẫn đến xử lý oan và bỏ lọt người vi phạm.
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cũng đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực, tăng mức phạt với một số lĩnh vực chưa được quy định.
Bài học về phạt vi phạm nồng độ cồn cho thấy, đã góp phần thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông. Qua mức phạt nghiêm khắc người dân đã có ý thức tránh xa những quy định cấm. Vì vậy, cần mạnh dạn quy định xử phạt nặng nếu như lỗi vi phạm đó gây tác hại, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Cũng có ý kiến cho rằng, nếu tăng mức phạt tối đa phải chăng sẽ tạo ra các tiêu cực xã hội, dẫn đến bắt tay chung chi. Từ đó đại biểu cho rằng, nếu dự kiến đưa vào Luật, thì cần đưa vào mức phạt nặng, còn ở đâu đó có vài hiện tượng tiêu cực, chung chia, thì đó là câu chuyện quản lý nhà nước phải khắc phục, chứ không phải vì vài tiêu cực mà luật pháp lại nương nhẹ.
Ban soạn thảo cho rằng vẫn cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền trong từng lĩnh vực; đảm bảo việc tăng mức phạt tiền tối đa trong là có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.
Luật Xử lý vi phạm hành chính là dự án Luật quan trọng, được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn. Do vậy, việc sửa Luật cần đảm bảo vừa quản lý nhà nước, quản lý xã hội tốt nhưng vẫn phải đảm bảo tốt quyền con người, quyền công dân.