Xem xét ghép phổi cho bệnh nhân 91 - phi công người Anh

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:04, 08/05/2020

Tại cuộc họp với các tổ chức quốc tế về chiến lược xét nghiệm, điều trị Covid-19 trong giai đoạn mới, Hội đồng Chuyên môn Bộ Y tế đã xem xét phương án ghép phổi cho phi công người Anh mắc Covid-19 (bệnh nhân 91) đang trong tình trạng bệnh nặng.

Báo cáo từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, tình hình sức khoẻ của bệnh nhân 91 tính đến sáng 8/5 vẫn còn rất nặng. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho hay, bệnh nhân vẫn nằm yên, uống thuốc an thần. Kết quả siêu âm phổi cho thấy phổi phải hết hình ảnh tràn khí màng phổi, rất ít dịch mang phổi; phổi trái đông đặc mặt sau dưới. Xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngày 7/5 cho kết quả âm tính. Hiện bệnh nhân vẫn tiếp tục thở máy, can thiệp ECMO, lọc máu. Tiên lượng còn rất nặng.

Lần gần đây nhất, mẫu bệnh phẩm phết mũi họng ngày 6/5 của bệnh nhân 91 dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 chủng mới. Mẫu dịch rửa tại phế quản, nước bọt, trực tràng vẫn cho kết quả âm tính.

Xem xét ghép phổi cho bệnh nhân 91 - phi công người Anh

Cuộc họp với các tổ chức quốc tế về chiến lược xét nghiệm, điều trị Covid-19 trong giai đoạn mới

Bệnh nhân 91 - phi công người Anh, 43 tuổi, cao 1,83 m, nặng 100 kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) 30,1, mức béo phì. Anh bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - phản ứng miễn dịch dữ dội, tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước. Bộ Y tế phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị.

Hội đồng chuyên môn đang đề nghị phương án ghép phổi.

Đây là phương án đã từng được sử dụng tại Trung Quốc cho bệnh nhân Covid-19 nặng và có hiệu quả ở những ca bệnh được ghép sớm.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, 103 là những đơn vị từng thực hiện ghép phổi. Trong khi đó, bệnh nhân 91 đã được sử dụng thiết bị ECMO - thiết bị thay thế tim phổi đã hơn 30 ngày, nếu lâu dài phổi tiến triển xấu hơn sẽ bị mủn và là môi trường cho vi khuẩn xâm nhập.

Tại cuộc họp, các chuyên gia quốc tế đến từ Tổ chức Y tế thế giới, Chương trình Bảo vệ y tế toàn cầu, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ... đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống Covid-19 như ngày 8/5 là ngày thứ 22 không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng (dù có thêm bệnh nhân từ nước ngoài về), bước đầu ngăn chặn và đẩy lùi Covid-19 tại Việt Nam.

Thay mặt Tiểu ban Điều trị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Trưởng tiểu ban điều trị, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19, đã cảm ơn sự hỗ trợ, ủng hộ và đồng hành của WHO và CDC quốc tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu.

Theo ông Khuê, đã 22 ngày Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng vẫn còn các bệnh nhân từ nước ngoài về. Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã nỗ lực ngay từ ngày xuất hiện ca bệnh đầu tiên và hiện nay vẫn tiếp tục phải nỗ lực và cập nhật các vấn đề về chuyên môn, dịch tễ học, xét nghiệm, vấn đề dương tính lại... Do đó, việc phối hợp và đồng hành với WHO, CDC quốc tế là hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy sự thành công trong phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Chí Tâm