Nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam bị đề nghị mức án 15-16 năm tù
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 11:20, 20/09/2019
Theo đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo, đại diện VKS cho rằng, với 14 hợp đồng vay vốn của Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) tại BHXH, mức độ thiệt hại cho BHXH là hơn 1.697 tỷ đồng do ALCII phá sản và không có khả năng thanh toán. Mặc dù biết rõ ALCII không phải là đối tượng vay vốn của BHXH nhưng BHXH vẫn quyết định cho vay từ tiền đóng BHXH của người lao động.
Đại diện VKS tại phiên tòa xét xử
Các bị cáo cho rằng việc cho vay là đúng đối tượng, tuy nhiên đại diện VKS cho rằng đây là hành vi đánh tráo khái niệm, cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo đều là chuyên gia hàng đầu về chuyên môn BHXH, có thâm niên trong lĩnh vực BHXH, thậm chí nhiều bị cáo còn trực tiếp tham gia đóng góp xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội nên không thể nói là không biết các quy định của luật.
Ngoài ra, đại diện VKS cũng cho rằng các bị cáo yêu cầu Agribank có thư bảo lãnh nhưng trong 11/14 hợp đồng đầu tiên, các bị cáo không đưa thư bảo lãnh vào hợp đồng. Các bị cáo tự quyết định chứ không hề bàn bạc với Agribank, thể hiện sự quyết định một cách rõ ràng và có chủ đích trái với quy định của pháp luật.
Theo đó, VKS khẳng định hành vi của các bị cáo làm thất thoát gần 1.700 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi), làm tiêu tan công sức của người lao động, gây dư luận hoang mang, làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân vào BHXH, nhất là những người già đang hưởng chế độ hưu trí.
Đối với bị cáo Nguyễn Huy Ban, nguyên TGĐ BHXH Việt Nam, là người được Nhà nước giao quản lý quỹ BHXH, tuy nhiên Ban đã chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho ALCII vay 11 hợp đồng, không đúng đối tượng, trái với Luật BHXH, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng. Việc bị cáo phạm tội nhiều lần là tình tiết tăng nặng, cần cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian dài.
Do đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt Nguyễn Huy Ban từ 15-16 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Đối với bị cáo Lê Bạch Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, có trách nhiệm quản lý quỹ BHXH theo đúng quy định của pháp luật. Hồng ký và thực hiện 3 hợp đồng cho ALCII vay, gây thiệt hại hơn 434 tỷ đồng. Hồng đã hai lần thực hiện hành vi phạm tội là tình tiết tăng nặng, do đó cần có bản án nghiêm khắc.
Do đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Lê Bạch Hồng từ 8-9 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với bị cáo Nguyễn Phước Tường, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính, VKS cho rằng, bị cáo Tường biết BHXH chỉ được cho Ngân hàng thương mại nhà nước vay vốn theo quy định của Luật BHXH, nhưng Tường căn cứ biên bản thỏa thuận số 01 giữa BHXH và Agribank đã hết hiệu lực, tham mưu đề xuất cho ALCII vay vốn, chỉ đạo nhân viên dưới quyền soạn thảo hợp đồng vay vốn, Tường ký nháy để TGĐ BHXH ký cho vay hơn 1.100 tỷ đồng, đến nay 13 HĐ đã quá hạn, gây thiệt hại hơn 1.697 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đại diện VKS cũng cho rằng hành vi của bị cáo Tường giữ vai trò chính với Ban và Hồng. Bị cáo đã phạm tội nhiều lần là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên cần thiết phải có một mức án nghiêm khắc.
Do đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phước Tường mức án từ 15 - 16 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Toàn cảnh phiên tòa
Đối với bị cáo Hoàng Hà, nguyên là Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, đại diện VKS cho rằng, bị cáo này nhận thức được việc BHXH chỉ được cho ngân hàng nhà nước vay vốn, không được phép cho ALCII vay vốn nhưng vẫn tham mưu, lập tờ trình đề nghị TGĐ cho vay. Hà ký nháy để TGĐ BHXH cho vay tổng số tiền 910 tỷ đồng, gây thiệt hại 1.352 tỷ đồng.
Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hoàng Hà mức án từ 8-9 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với bị cáo Trần Tiến Vỹ, nguyên là Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính , Vỹ đã lập 2 tờ trình cho ALCII vay vốn 100 tỷ đồng. Mặc dù có thư bảo lãnh số 800 của Agribank nhưng bị cáo không căn cứ vào thư bảo lãnh mà căn cứ vào biên bản thỏa thuận số 01 nêu trên, gây thiệt hại 196 tỷ đồng. Bị cáo Vỹ giữ vai trò đồng phạm, đã hai lần phạm tội là tình tiết tăng nặng.
Do đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Trần Tiến Vỹ từ 3 - 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với hành vi của bị cáo Trần Thị Thanh Thủy, Chuyên viên phòng Kế hoạch tổng hợp, VKS cho rằng bị cáo chưa làm hết trách nhiệm của mình khi ký nhận thư bảo lãnh số 4407 của Agribank từ bộ phận văn thư của BHXH. Nội dung thư bảo lãnh thay thế hai thư bảo lãnh trước đó, chỉ bảo lãnh số tiền 400 tỷ đồng, tuy nhiên Thủy đã không trình lãnh đạo để xử lý thư bảo lãnh. Các bị cáo Ban, Tường, Hồng đều cho rằng nếu nhận được thư bảo lãnh số 4407 thì đã không tiếp tục cho ALCII vay vốn. Thủy phải chịu trách nhiệm một phần hậu quả về việc BHXH cho vay 5 hợp đồng, gây thiệt hại gần 800 tỷ đồng.
Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Thủy mức án từ 24-30 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, nói về biên bản thỏa thuận số 01, VKS cho rằng, đây chỉ là thỏa thuận mang tính định hướng, sau khi Luật BHXH có hiệu lực, biên bản này không có giá trị pháp lý. Căn cứ nội dung các hợp đồng và thư bảo lãnh, các HĐ vay vốn do ALCII và BHXH tự thực hiện trái pháp luật và không có căn cứ thư bảo lãnh của Agribank. Tuy nhiên việc Agribank phát hành thư bảo lãnh tạo cơ sở để BHXH cho vay vốn trái pháp luật.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị Agribank phải chịu một phần trách nhiệm dân sự bồi thường số tiền các bị cáo đã gây thiệt hại 1.697 tỷ đồng.