Xét xử vụ án chạy thận ở Hòa Bình: Bị cáo Trương Quý Dương khai gì trước tòa?

Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 19:28, 14/01/2019

Chiều nay (14/1), phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sự cố y khoa làm 9 người chết tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đã chuyển sang phần xét hỏi.

Là người đầu tiên trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình cho biết, khi nắm bắt được thông tin về sự cố vào khoảng 9h30’ sáng ngày 29/5/2017, lúc đó bác sỹ Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình gọi điện cho bị cáo và cho biết chưa có ai bị ngộ độc, chỉ có thông tin là dị ứng. Bị cáo Dương nhớ lại: “Không ai cảnh báo bị cáo về tính khẩn thiết, trong chạy thận thì việc dị ứng là điều bình thường. Bị cáo liên hệ với Bệnh viện Bạch Mai và nói rõ là ngày hôm trước sửa chữa hệ thống RO. Bác sỹ Khiếu có thông báo cho bị cáo là đã trao đổi với các bác sỹ Khoa Thận Bệnh viện Bạch Mai và được cho biết có khả năng bị dị ứng bởi tồn dư hóa chất. Bị cáo trao đổi với bác sỹ Khiếu là ngừng chạy thận và lọc rửa lại cho hết tồn dư hóa chất trong hệ thống RO”.

Xét xử vụ án chạy thận ở Hòa Bình: Bị cáo Trương Quý Dương khai gì trước tòa?

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Sau đó, Trương Quý Dương chỉ đạo Hoàng Đình Khiếu cứ tiếp tục triển khai hoạt động chuyên môn, khi nào có diễn biến bất thường thì báo cáo lại cho Giám đốc bệnh viện.

“Đến khoảng 11h30’ cùng ngày không thấy ai báo cáo nên bị cáo sốt ruột và gọi điện xuống thì bác sỹ Khiếu bảo “anh ơi có bệnh nhân tử vong rồi”.

Ngay sau lời khai đó, HĐXX đặt câu hỏi bị cáo Dương đã xử lý tình huống như thế nào, bị cáo Dương cho biết đã trực tiếp gọi điện thoại cho Bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai tư vấn khả năng có thể bệnh nhân bị ngộ độc hóa chất, việc khẩn trương nhất là phải tẩy độc.

Bị cáo Dương trả lời HĐXX: "Lúc đó, bị cáo tập trung cứu chữa bệnh nhân, xin ý kiến lãnh đạo Sở, báo cáo Công an tỉnh, liên hệ Bệnh viện TP Hòa Bình để chuyển 10 bệnh nhân sang lọc thận và thải khử độc... Bị cáo chỉ đạo cấp cứu bệnh nhân, liên hệ với các Bệnh viện tuyến Trung ương để chuẩn bị cho việc chuyển bệnh nhân đang chạy thận. Bị cáo chỉ đạo các phòng ban chức năng, đối với những gia đình đã có nạn nhân tử vong thì khẩn trương có lời chia sẻ. Bị cáo chỉ đạo phòng Tổ chức và phòng Tài chính - Kế toán gửi mỗi gia đình 10 triệu đồng để lo việc mai táng trước mắt, bố trí xe đưa nạn nhân về nhà an táng. Sáng hôm sau, bị cáo chỉ đạo chia làm 2 nhóm trực tiếp thay mặt BV xuống gia đình các nạn nhân gửi tiếp 10 triệu đồng nữa và thắp hương kính viếng. Ngày hôm sau nữa, bị cáo cùng các đoàn của Trung ương đến viếng các nạn nhân. Trong bối cảnh hỗn loạn, bị cáo chỉ nhớ được như vậy, còn bị cáo không nhận được báo cáo nào khác, theo trí nhớ của bị cáo".

Xét xử vụ án chạy thận ở Hòa Bình: Bị cáo Trương Quý Dương khai gì trước tòa?

Bị cáo Trương Quý Dương trả lời trước HĐXX

Ngoài ra, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình còn khẳng định thời điểm đó không đủ thời gian để họp hội chẩn mà chỉ xử lý theo tình huống. Thời điểm đó, điện thoại của bị cáo luôn nóng bỏng vì nghe và hướng dẫn nội dung. Bị cáo Dương khẳng định lại: "Khoảng 11h30’, bị cáo có mặt tại đơn nguyên Thận nhân tạo, sau khi biết được diễn biến xấu, một số bệnh nhân tử vong, một số được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, bị cáo huy động hết lực lượng có tại Bệnh viện, đồng thời gọi điện trực tiếp cho Bệnh viện Bạch Mai và được cho biết khả năng bị ngộ độc và được hướng dẫn xử lý".

Theo đó, HĐXX tiếp tục hỏi về việc bị cáo nhận được thông tin từ 10h nhưng 11h30’ mới xuống khoa thì đã làm hết trách nhiệm hay chưa, bị cáo Dương trả lời: “Với một bệnh viện có gần 40 chuyên khoa và gần 700 cán bộ, việc từng bác sỹ làm đầu mối thay mặt lãnh đạo Bệnh viện liên hệ với các cơ quan chuyên môn là điều hết sức quan trọng. Chuyên ngành nào xảy ra vấn đề thì các bác sỹ trực tiếp liên hệ đầu mối vì ngoài quan hệ tuyến dưới - tuyến trên còn có mối quan hệ thầy trò, anh em. Bị cáo là Giám đốc nhưng chỉ là chuyên khoa Ngoại, những lĩnh vực hồi sức cấp cứu phải có bác sỹ chuyên khoa trao đổi thì sẽ kỹ hơn”.

Bị cáo Dương tiếp tục khẳng định, về thẩm quyền được phép trong tình huống này, bị cáo Khiếu và các bác sỹ hồi sức tích cực có thẩm quyền báo cáo chuyên môn. Quy chế bệnh viện của Bộ Y tế đã ghi rõ: Phó Giám đốc được thay mặt Giám đốc trong lĩnh vực phụ trách. BV đã có quyết định phân công nhiệm vụ số 262, từng cán bộ phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực phụ trách chuyên môn. Bị cáo Dương nói: “Bị cáo nghĩ không cần thiết phải hết sức chi li, không phải "khi tôi đồng ý thì anh mới được liên hệ", nên vẫn để từng đầu mối làm việc chuyên môn đó”.

Cũng trong phiên tòa xét xử chiều nay, nói về việc thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo, dưới góc độ pháp lý, bị cáo Trương Quý Dương nghĩ rằng cơ bản là đúng bởi kỹ thuật lọc thận nhân tạo đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện ở nhiều tuyến bệnh viện; sau đó BVĐK tỉnh Hòa Bình có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Hòa Bình phê duyệt và được cho phép thực hiện kỹ thuật lọc máu.

Xét xử vụ án chạy thận ở Hòa Bình: Bị cáo Trương Quý Dương khai gì trước tòa?

Nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình đến phiên tòa

Theo nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, nhận thấy nhu cầu chạy thận của bệnh nhân vô cùng lớn; nhu cầu phát triển về mặt chuyên môn, cũng như từ việc bệnh viện phải đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân… nên lúc đó có quyết định thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo. Trong quyết định của Bộ Y tế nêu rõ kỹ thuật này được triển khai ở nhiều tuyến, nhiều khoa.

Tiếp tục nói về nhân lực, bị cáo Dương cho biết Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa hồi sức tích cực có các bác sỹ, điều dưỡng được đào tạo về kỹ thuật lọc máu; có sự hỗ trợ của các kỹ sư… và tại Đơn nguyên thận nhân tạo, khi được chuyển giao kỹ thuật, bị cáo đã cử nhân sự đi đào tạo; ngoài các bác sĩ được đào tạo theo chương trình chuyên ngành, đa phần các điều dưỡng đều được đào tạo về chương trình kỹ thuật viên. Số lượng người được cử đi đào tạo có 26 người, trong đó có 3 bác sĩ gồm Hoàng Đình Khiếu, Hoàng Công Tình và Hoàng Công Lương. Song song đó; bệnh viện còn chuẩn bị cơ sở vật chất (nhà cửa, hệ thống nước RO, máy lọc thận) được tìm từ nhiều nguồn và chuẩn bị về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ án, trong Quyết định thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình có giao cho bác sỹ Nguyễn Đức Tiến là bác sỹ khoa Hồi sức tích cực tạm thời phụ trách từ ngày 1/2/2010. Nhân sự của Đơn nguyên thận nhân tạo là các bác sĩ và điều dưỡng viên của khoa Hồi sức tích cực đã được tập huấn theo Hợp đồng chuyển giao công nghệ của Bệnh viện Bạch Mai ký với BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Tuy nhiên, đến ngày 5/6/2014, bác sỹ Nguyễn Đức Tiến được điều động đến làm việc tại khoa Nội tim mạch - Lão khoa theo Quyết định số 370/QĐ-BVĐKT-TCCB. Kể từ thời điểm này, phía bệnh viện không có quyết định giao cho ai phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo.

Xét xử vụ án chạy thận ở Hòa Bình: Bị cáo Trương Quý Dương khai gì trước tòa?

Bị cáo Hoàng Công Lương tới phiên tòa xét xử

Như vậy, kể từ khi thành lập, Đơn nguyên thận nhân tạo không có kỹ sư, kỹ thuật viên, không giao cho ai thực hiện trách nhiệm “kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu”.

Cũng tại tòa, bị cáo Dương khẳng định lãnh đạo Bệnh viện cùng với bị cáo "lo" việc xã hội hóa từ nhiều nguồn cho dự án xây dựng lại bệnh viện, trong đó có dự án cung cấp hệ thống RO số 1. Do nguồn kinh phí có hạn nên BV quyết định bổ sung thêm 1 kênh nữa là kênh xã hội hóa, bằng hình thức thuê máy của đối tác bên ngoài. Ngoài ra, BV còn xin thêm nguồn kinh phí để mua bổ sung hệ thống RO số 2.

Bị cáo Dương nói: “Toàn bộ hệ thống RO đều do BV dùng kinh phí để mua, duy nhất chỉ xã hội hóa trong máy chạy thận. Tại thời điểm 29/5/2017, trong 18 máy, BV sở hữu 13 máy, chỉ có 5 máy đang đi thuê từ đơn vị ngoài, sau khi Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn chuyển giao một số máy cho bệnh viện”.

Tiếp tục khẳng định việc xã hội hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, dựa trên hướng dẫn của Thông tư 15 của Bộ Y tế về xã hội hóa, Trương Quý Dương cho rằng BVĐK tỉnh Hòa Bình đã làm công văn gửi Sở Y tế xin chủ trương thực hiện xã hội hóa và được đồng ý. Không chỉ máy chạy thận, Bệnh viện đã xã hội hóa máy CT và đã phát huy hiệu quả rất tốt.

“Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và điều kiện về mặt kinh tế, bị cáo thấy như thế là hoàn toàn có lợi cho bệnh viện, có lợi cho tỉnh vì tỉnh không phải bỏ ra xu nào, và như thế cũng là có lợi cho nhân dân”.

Theo đó, Đảng bộ BVĐK tỉnh Hòa Bình đã họp và thống nhất có nên thuê hay không, thuê như thế nào, thuê ai,... sau đó ra Nghị quyết và phải làm rất nhiều đầu việc mới có thể triển khai việc thuê máy để thực hiện việc xã hội hóa.

Bị cáo thay mặt BVĐK tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng với Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn). Trước khi Hội đồng kinh tế của BV quyết định, Hội đồng và bị cáo đã phải nghiên cứu rất kỹ, thậm chí đi đến một số bệnh viện để dò la tìm hiểu công ty này như thế nào và thấy công ty có đủ năng lực. Trong suốt quá trình hợp tác, Thiên Sơn hoàn toàn đáp ứng được về mặt chuyên môn.

Bị cáo Dương nói: “Tổng cộng có 4 lần BVĐK tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn, mỗi lần ký đều phải theo quy trình như vậy sau khi dưới khoa có đề xuất bổ sung máy. Ngành y tế rất coi trọng tính đồng bộ, quan điểm của BV là cái gì tốt nhất thì dùng”.

Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật thông tin diễn biến phiên tòa.

Mạnh Hùng