Hai cựu tướng Công an đã "chống lưng" cho đường dây đánh bạc ngàn tỷ như thế nào?
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 14:51, 17/10/2018
Bản cáo trạng dài 235 trang về vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (gọi tắt là vụ đánh bạc nghìn tỷ) liên quan đến các đối tượng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cùng gần 100 bị can khác.
Có 92 bị cáo bị truy tố trong vụ án này, trong đó bị can Nguyễn Văn Dương (SN 1975, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư Phát triển An ninh công nghệ cao - CNC) và đồng phạm lợi dụng công nghệ cao, có sự giúp sức của Phan Văn Vĩnh (SN 1955, cựu Trung tướng, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (SN 1958, cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công an) là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan được Nhà nước giao đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Từ trái sang phải, các bị cáo: Phan Văn Vĩnh, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Thanh Hóa
Sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài RikVip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen, các đối tượng thuộc nhóm vận hành game đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng được một hệ thống gồm 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” để cung cấp dịch vụ chuyển đổi tiền ảo trong game ra tiền thật và ngược lại, theo đó đã lôi kéo được 42.950.805 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến; Tổng thu lời bất chính là 9.853 tỷ đồng (làm tròn) nên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi của Nguyễn Văn Dương
Theo kết luận của VKS, sau khi thành lập công ty CNC bị cáo Nguyễn Văn Dương, được Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Đầu năm 2015, Dương nhất trí đề nghị của Phan Sào Nam (SN 1979, nguyên Giám đốc CTCP VTC trực tuyến) để đứng ra phát hành game bài, sau đó chỉ đạo Lưu Thị Hồng (SN 1976, Tổng GĐ Công ty CNC) ký hợp đồng hợp tác với Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc trực tuyến trên internets bằng các game bài nói trên.
Dương chỉ đạo xây dựng cổng thanh toán kết nối với Công ty HomeDirect, Công ty VNPT EPAY, Công ty Ngân Lượng và Công ty GTS thực hiện việc vận hành, đối soát doanh thu từ hành vi tổ chức đánh bạc, thu lời bất chính 1.655 tỷ đồng (làm tròn).
Để hoàn tất việc rửa tiền, Nguyễn Văn Dương chỉ đạo Đoàn Thị Thu Hà (SN 1980, Kế toán Công ty CNC) chuyển tiền góp vốn vào CTCP Đầu tư UDIC, mở doanh nghiệp rồi ký HĐ khống rút tiền ra, quay vòng nâng khống giá trị vốn góp vào UDIC. Sau đó Dương chỉ đạo Hà và cấp dưới đứng danh nghĩa công ty, cá nhân đối tác chuyển trả công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền do tổ chức đánh bạc mà có thành tiền sạch.
Trong quá trình điều tra, Dương khai đã cho Phan Văn Vĩnh 01 đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1.750.000 USD, 01 áo sơ mi; 01 lọ thuốc bổ gan; cho Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm 700 triệu đồng, 01 bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD và cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng.
Hành vi của Nguyễn Văn Dương đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Tổ chức đánh bạc” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 249; tội phạm “Rửa tiền” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 251 - BLHS năm 1999. Trong đó, Dương là người giữ vai trò cầm đầu trong nhóm đối tượng vận hành game bài tổ chức đánh bạc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm khắc.
Hành vi của Phan Sào Nam
Đối với Phan Sào Nam, với chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty VTC Online, Nam đã kết nối với Nguyễn Văn Dương, thống nhất việc CNC làm nhiệm vụ phát hành game lên mạng và ký HĐ hợp tác.
Tiếp đó, Nam ký hợp đồng với công ty Nam Việt xây dựng phần mềm tổ chức đánh bạc trực tuyến trên internet; thiết lập hạ tầng máy chủ cho game bài Rikvip/TipClub; chỉ đạo đối soát, tiếp nhận tiền doanh thu tổ chức đánh bạc, chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc để phục vụ cho hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến; thu lời bất chính 1.475 tỷ đồng (làm tròn).
Sau đó, Nam chuyển tiền lòng vòng qua nhiều khâu trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn các dự án, mua bất động sản để hợp thức hóa số tiền do phạm tội mà có.
Hành vi của Phan Sào Nam đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Tổ chức đánh bạc” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 249; tội phạm “Rửa tiền” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 251 - BLHS năm 1999. Trong đó, Nam là người khởi xướng và giữ vai trò chỉ huy nhóm đối tượng thuộc VTC Online và Công ty Nam Việt.
Hành vi của Phan Văn Vĩnh
Khi đương chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, Phan Văn Vĩnh cho phép thành lập công ty CNC, công ty bình phong thuộc Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đồng tình với Nguyễn Thanh Hóa ký ban hành quyết định công nhận CNC là công ty bình phong khi chưa có ý kiến thống nhất của Tổng cục 3.
Với chức vụ của mình, Phan Văn Vĩnh phải là người nắm rõ nhất cấu thành tội phạm của tội Tổ chức đánh bạc, tội đánh bạc. Nhưng sau khi nhận báo cáo do Nguyễn Văn Dương đề xuất cho công khai việc kết nối, phục vụ game bài đánh bạc, Vĩnh đã bút phê: “Kính chuyển đồng chí Cục trưởng và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nghiên cứu và đề xuất”.
Căn cứ vào đó, Nguyễn Thanh Hóa đã ký, đề xuất Phan Văn Vĩnh việc cho phép triển khai kế hoạch xây dựng mô hình cổng trò chơi trực tuyến và thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo hoặc ví điện tử của CNC, để Phan Văn Vĩnh trình Bộ Công an.
Ngày 22/5/2016, Phan Văn Vĩnh bút phê: “Đồng ý đề xuất, giao đồng chí Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trực tiếp chỉ đạo, kiểm soát, tổ chức thực hiện đảm bảo hoạt động thí điểm và các thủ tục pháp lý đúng yêu cầu pháp luật và kiểm soát tình hình hoạt động của tội phạm về lĩnh vực này, có đề xuất tiếp trình Tổng cục và Bộ”.
VKS kết luận dấu hiệu đặc biệt nguy hiểm ở việc Phan Văn Vĩnh chống lưng cho Nguyễn Văn Dương và Nguyễn Thanh Hóa ở chỗ, theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 25/2014 đã xác định rõ: “Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao là các đơn vị nghiệp vụ trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ chuyên trách tham mưu, tổ chức, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao”.
Thế nhưng Tổng cục Cảnh sát lại cho công ty CNC thuê chính trụ sở của mình tại số 10 Hồ Giám để vận hành hệ thống đánh bạc. Không những thế, trong trụ sở của CNC còn có phòng làm việc treo biển hiệu ghi: “Bộ Công an - Cục C50; Phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng”.
Điều này thể hiện, chính người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao đã dung túng cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện tội phạm, đồng thời ngăn cản có hiệu quả đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh, xử lý đối với Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm.
Không dừng lại ở đó, Phan Văn Vĩnh còn ký văn bản đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an cho CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc. Nghiêm trọng hơn, Phan Văn Vĩnh còn bút phê đồng ý vào văn bản hợp thức ngày 12/10/2011 để che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp và gián tiếp thừa nhận bản thân đã biết và chỉ đạo Cục C50 hợp tác với CNC ngay từ năm 2011.
Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện và yêu cầu báo cáo, Vĩnh đã không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Đến khi có văn bản thứ 2 sau 50 ngày mới chỉ đạo Cục C50 tham mưu lập báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, nhưng Vĩnh đã báo cáo không đúng sự thật.
Hành vi của Phan Văn Vĩnh phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng áp dụng tình tiết có lợi cho bị can được quy định tại Điều 7 Bộ luật hình sự thì hành vi của Phan Văn Vĩnh được áp dụng xử lý theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.
Hành vi của Nguyễn Thanh Hóa
Nguyễn Thanh Hóa đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là Cục trưởng Cục C50, mà đã chỉ đạo cấp dưới soạn thảo một số văn bản và trực tiếp tham mưu cho Phan Văn Vĩnh ký Quyết định số 158/QĐ-C41(C50) ngày 14/05/2015 về việc thành lập công ty bình phong CNC thuộc C50.
Đồng thời Hóa đề nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội do Tổng cục Cảnh sát quản lý.
Khi biết CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, Hóa đã không ngăn chặn, xử lý mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc, bao che không cho các phòng nghiệp vụ có chức năng phòng chống tội phạm công nghệ cao được xác minh, xử lý.
Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hành vi đánh bạc của 2 game bài RikVip.com và 23zdo.com có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Nguyễn Thanh Hóa không chấp hành ý kiến chỉ đạo, đến khi có văn bản lần 2 sau 50 ngày mới chỉ đạo phòng Tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, nhưng báo cáo không trung thực để che giấu hoạt động của CNC.
Nguyễn Thanh Hóa cũng chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bán ký hợp thức trình Phan Văn Vĩnh để che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an.
Hành vi của Nguyễn Thanh Hóa đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng áp dụng tình tiết có lợi cho bị can được quy định tại Điều 7 Bộ luật hình sự thì hành vi của Nguyễn Thanh Hóa được áp dụng xử lý theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với 88 bị cáo còn lại, các bị cáo bị VKS truy tố với các tội danh khác nhau như: Tổ chức đánh bạc, Mua bán trái phép hóa đơn, Đánh bạc.
Với một số cán bộ trong ngành Công an có liên quan, Cơ quan An ninh điều tra đã điều tra, xác minh và kết luận có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa đến mức độ xử lý hình sự nên Viện KSND tỉnh Phú Thọ đề nghị Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định của Đảng, của ngành Công an.