Vụ án Ngân hàng Đại Tín: Sự vắng mặt bị cáo Hứa Thị Phấn không ảnh hưởng tới phiên tòa
Ký sự pháp đình - Ngày đăng : 06:53, 05/05/2018
Cáo bệnh nhưng vẫn ký đơn tố cáo?
Theo dự kiến, từ ngày 8 – 31/5 tới đây, TAND TP HCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp Trustbank, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm.
Đây là vụ án mà dư luận rất quan tâm về việc “bà trùm” Hứa Thị Phấn là “đầu sỏ” trong phi vụ đem Công ty Phương Trang ra làm “vật tế thần” để chiếm đoạt của Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) hơn 12.000 tỷ đồng có tham gia phiên tòa hay không?
Theo cáo trạng của VKSNDTC, bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố bị can ngày 22/3/2017. Nhưng từ ngày 6/3/2017, bà đã được đưa đến Bệnh viện đa khoa Tân Hưng (Q.7, TP.HCM) cấp cứu. Từ đó đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhiều lần đến Bệnh viện đa khoa Tân Hưng để hỏi cung nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi đều không trả lời.
Trước sự việc trên, các luật sư bào chữa cho bà Phấn kiến nghị hoãn hỏi cung cho đến khi sức khỏe của bà tốt hơn nên cơ quan điều tra chưa thể hỏi cung bà Phấn để làm rõ thêm các nội dung liên quan đến hành vi phạm tội của bị can.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người ngạc nhiên là mặc dù sức khỏe yếu, không đủ sức trả lời điều tra viên song hồ sơ của vụ án cho thấy bà Hứa Thị Phấn vẫn ký tên vào các đơn tố cáo, đơn kiến nghị và đơn kháng cáo trong một vụ án khác. Trước diễn biến này, cơ quan tố tụng đã đề nghị HĐXX cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bà Phấn trong quá trình xét xử để quyết định hình phạt.
Trước đó, trong đại án Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), ở phiên sơ thẩm bà Phấn cũng vắng mặt với lý do sức khỏe nhưng trước chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của các bị cáo khác, TAND TP Hà Nội tuyên bà Phấn 17 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Và mặc dù sức khỏe không đủ để tham gia phiên tòa, song “bà trùm” này lại “tỉnh táo” ký đơn kháng cáo.
Hứa Thị Phấn tại một phiên toà khác
Có đủ cơ sở để xử vắng mặt bà Hứa Thị Phấn
Trao đổi với báo chí, Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Tòa hình sự TAND TP.HCM, chủ tọa phiên tòa vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm, cho biết rằng, tình trạng sức khỏe của bị cáo Phấn, trong hồ sơ đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa do Cơ quan CSĐT Bộ Công an trưng cầu giám định nên HĐXX xét thấy không cần thiết phải trưng cầu lại.
Theo đó, bị cáo Phấn mất sức khỏe 93%, do các bệnh cao huyết áp giai đoạn 2, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp gối... và không có khả năng đi lại. Tuy nhiên, theo ông, nếu bị cáo Phấn vì sức khỏe không thể có mặt và xét thấy sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại đến việc xét xử thì HĐXX vẫn xét xử vụ án bình thường.
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, việc bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt sẽ không ảnh hưởng tới phiên tòa. Bởi cáo trạng của VKSNDTC cho thấy, tại các biên bản làm việc với cơ quan điều tra từ ngày 26/5/2015 đến ngày 8/12/2016, bà Hứa Thị Phấn (lúc đó chưa bị khởi tố bị can), trước sự chứng kiến của bị can Bùi Thị Kim Loan (Kế toán công ty Phú Mỹ) và ông Phạm Ngọc Trung (Luật sư của bà Phấn), bà này thừa nhận đã sử dụng 4.985 tỷ đồng nộp vào tài khoản cá nhân và các thành viên khác nằm trong nhóm Phú Mỹ của bà.
Bên cạnh đó, Kết luận của cơ quan điều tra thể hiện nội dung lời khai nhiều lần của bà Phấn với Cơ quan điều tra Bộ Công an (có sự chứng kiến của Luật sư bà Phấn) trước đó và lời khai của 27 bị can khác trong vụ án này với Cơ quan điều tra cùng nhiều chứng cứ trong toàn bộ các hồ sơ, chứng từ tín dụng còn lưu trữ đã đủ làm cơ sở để Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt.
Dự đoán về việc vắng mặt của bị cáo Phấn, Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, việc khởi tố, truy tố, xét xử một bị cáo không chỉ căn cứ vào lời khai mà còn căn cứ vào nhiều chứng cứ khác. Chứng minh tội phạm là trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng, còn việc khai hay không khai là quyền của bị can, bị cáo. Trường hợp, nếu bị cáo Phấn có mặt tại phiên tòa nhưng thực hiện quyền im lặng theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng buộc phải có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ phù hợp khác để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo Phấn. Trường hợp bị cáo Phấn vắng mặt vẫn xét xử bình thường.
Còn ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa Tòa Hình sự TAND TP HCM cho rằng, đây là trường hợp khá hy hữu khi xét xử một bị cáo đầu vụ mà không có bất kỳ lời khai nào của bị cáo. Tuy nhiên, nội dung lời khai của 27 bị can khác trong vụ án này với cơ quan điều tra cùng toàn bộ hồ sơ, chứng từ tín dụng còn lưu trữ đã đủ cơ sở để Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt...
Như vậy, có thể thấy rằng, việc “bà trùm” Hứa Thị Phấn vì lý do sức khỏe không có mặt tại phiên tòa cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án này.