Dịch bệnh Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:22, 11/04/2020
Hỏi: Dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, không chỉ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của cộng đồng mà còn làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Xin hỏi dịch bệnh do Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng không?
Trả lời:
Trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp đồng bộ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn dịch với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận về công tác phòng, chống Covid-19, phải nhìn nhận rằng, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng rõ nét đến đời sống kinh tế-xã hội, nhất là lĩnh vực giao thông vận tải, dịch vụ, du lịch, sản xuất, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu…
Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Theo đó, dịch bệnh Covid-19 được coi là sự kiện bất khả kháng nếu đáp ứng được 3 yếu tố: Xảy ra một cách khách quan; Không thể lường trước được; Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ
Bên cạnh đó, ngày 29/01/2020, tại Quyết định 219/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rus Corona gây ra (có tên gọi là Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo đó, các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 gồm những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Theo tình hình hiện nay, dịch bệnh Covid-19 có mức độ lây lan nhanh, thuộc trường hợp khẩn cấp toàn cầu.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện tại thì việc cơ quan chức năng đưa ra Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 về thực hiện cấp bách các biện pháp phòng, chống dịch yêu cầu người dân, các cơ quan tổ chức tránh tiếp xúc, tụ tập và ra ngoài trong vòng 15 ngày trừ trừ các trường hợp thật sự cần thiết.
Như vậy, dịch bệnh Covid-19 được coi là đáp ứng quy định về yếu tố khách quan và không thể lường trước được bởi đã có Chỉ thị của cơ quan quản lý nhà nước buộc tất cả mọi người phải tuận theo. Từ đó khả năng dẫn đến yếu tố thứ ba là “ Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” là hoàn toàn có thể xảy ra khi có thể chứng minh được là không thể khắc phục được tình hình mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng của mình.
Xét về mặt pháp lý, dịch bệnh Covid-19 là sự kiện khách quan, không thể lường trước. Nếu những hậu quả xảy ra dù trước đó đã dùng mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể khắc phục được thì hoàn toàn có thể coi dịch bệnh Covid-19 là sự kiện bất khả kháng.