Cơm áo không đùa với… giáo viên?
Giáo dục - Ngày đăng : 10:20, 03/11/2019
Ngày 22/10/2019, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng, đã ký Quyết định số 1893/QĐ-SGDĐT đồng ý cho ông Phạm Ngọc Trung, giáo viên thể dục Trường trung học phổ thông Như Xuân 2 nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Phạm Ngọc Trung, sinh ngày 10/10/1979, trình độ chuyên môn Đại học Sư phạm Thể dục thể thao, công tác tại Trường trung học phổ thông Như Xuân 2, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, được thôi việc từ ngày 1/11/2019.
Đơn xin nghỉ việc của thầy Trung
Lý do thầy Trung xin nghỉ việc được thể hiện trong đơn: “Do mức lương thấp mà chi phí cho sinh hoạt trong cuộc sống ngày càng cao, bản thân luôn phải nỗ lực làm thêm rất nhiều công việc tay trái nhưng thực tế lại là thu nhập chính để trang trải cuộc sống cho cả gia đình. Một phần do áp lực về thời gian công việc, không phù hợp với thực trạng cơ chế quản lý và hoạt động. Phần khác muốn tạo cơ hội cho các giáo viên trẻ khác ra trường mà chưa có việc làm. Do vậy, tôi làm đơn này mong được các cấp giải quyết cho tôi được nghỉ việc”.
Trong thời buổi lạm phát phi mã, nhu cầu của cuộc sống và chi phí sinh hoạt tăng cao, mức lương hiện nay của các giáo viên nói chung và nhất là các bộ môn đặc thù không thể dạy thêm khó trang trải được. Trước ngã rẽ chọn gắn bó với “nghề cáo quý nhất” sống dưới mức trung bình và một hướng đi khác hứa hẹn hơn anh Trung đã từ bỏ việc lên lớp.
Có thể nói đây là một quyết định khó khăn bởi anh Trung đã gắn bó với nghề hơn 15 năm. Cũng chừng ấy thời gian “đưa đò”, chứng kiến biết bao nhiêu thế hệ học sinh ra trường, trưởng thành. “Do áp lực cuộc sống và kinh tế khiến tôi phải lựa chọn. Tôi không muốn mình làm việc khác mà bỏ bê nghề dạy, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học và hình ảnh người thầy. Xin cảm ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ tôi trong thời gian đã qua”, anh Trung chia sẻ.
Cô Nhàn cũng chọn hướng đi khác sau gần 20 năm gắn bó với nghề giáo
Cách đây không lâu, khi bước vào năm học mới, cô Bùi Thị Nhàn, giáo viên Trường tiểu học Hoằng Thái (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có 19 năm gắn bó với nghề, là giáo viên dạy giỏi, bất ngờ viết đơn xin nghỉ việc khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.
Trong lúc cả nước với hàng triệu cô trò tưng bừng khí thế chào mừng năm học mới, thì cô Bùi Thị Nhàn (SN 1980), trú tại thôn Bình Tây, xã Hoằng Thịnh, giáo viên Trường Tiểu học Hoằng Thái (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lại nộp đơn xin nghỉ công tác trong ngành Giáo dục để chuyển sang làm công việc khác đã khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Cô Bùi Thị Nhàn buồn bã: “Để viết được lá đơn xin nghỉ việc, tôi phải suy nghĩ rất nhiều, đấu tranh với chính mình, day dứt khi phải bỏ nghề mình yêu thích…”.
Năm 2000, cô Nhàn tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm, sau 7 năm là giáo viên hợp đồng tại nhiều trường khác nhau với đồng lương ít ỏi nhưng cô vẫn kiên trì bám nghề, yêu trẻ.
Năm 2007, cô Nhàn được huyện biên giới Mường Lát tiếp nhận biên chế, phân công dạy tại một bản nghèo. Niềm vui được nhân lên khi cô được chuyển về dạy tại huyện nhà - Trường Tiểu học Hoằng Trường vào tháng 8/2011.
Sau những nỗ lực cống hiến, năm 2013, cô Nhàn được chuyển về Trường Tiểu học Hoằng Thái, cách nhà chừng 1km. Trong quá trình công tác ở các trường, cô Nhàn đều hoàn thành tốt nhiệm được giao, đã nhiều lần là Chiến sĩ thi đua và giáo viên dạy giỏi, được học trò yêu mến!
Sau 19 năm, cô Nhàn đã đi đến quyết định xin nghỉ việc. Lý do viết đơn xin nghỉ việc đơn giản vì cô tìm được một công việc tốt hơn, có thu nhập cao hơn để giúp gia đình có thể trang trải cuộc sống.
“Công việc mới của tôi rất tốt, cho thu nhập khá, lại phát huy được sở trường, đáp ứng cho tôi được nhiều thứ. Sau một thời gian làm thêm công việc bảo hiểm, tôi phải quyết định lựa chọn công việc này, vì nó mang lại thu nhập khá, giúp tôi và gia đình sang một trang mới tốt đẹp hơn. Nhưng để đưa ra quyết định xin nghỉ viêc, tôi đã suy nghĩ, thức trắng nhiều đêm. Tôi rất trân trọng, tự hào về nghề giáo viên. Dù đã viết đơn xin nghỉ việc dạy học, nhưng tôi vẫn cảm thấy tiếc nuối bởi tôi yêu nghề giáo từ nhỏ và cũng đã có nhiều cống hiến cho ngành; nếm trải qua nhiều khó khăn, vất vả với nghề” – cô Nhàn nói.