Giáo dục đạo đức chưa chạm đến trái tim học sinh
Giáo dục - Ngày đăng : 23:17, 26/07/2019
Ngày 26/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2021 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021 về Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hằng năm, Bộ GD&ĐT đều chỉ đạo, hướng dẫn các sở GD&ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh. Trong 4 năm qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát ở 36 địa phương về việc triển khai các đề án liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống học sinh.
Thời gian qua, chương trình, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã có nhiều đổi mới. Giáo dục đạo đức được giảng dạy liên tục, xuyên suốt từ tiểu học đến THPT trong các chương trình môn học. Các cơ sở giáo dục đã chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng các chuyên đề dạy học trong mỗi môn học và các chuyên đề tích hợp, liên môn phù hợp…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Xuân Phú
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận xét nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh còn chưa thiết thực.
Việc phân bố nội dung, thời lượng giáo dục đạo đức chưa phù hợp khi mà càng lên lớp cao hơn, nội dung giáo dục đạo đức càng giảm trong chương trình chính khóa. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chưa thực sự chuyển biến, nhiều khi còn hình thức.
"Nội dung giáo dục đạo đức chưa sâu, chưa tạo chạm đến trái tim làm thay đổi thái độ người học, chưa chú trọng giáo dục thói quen, hành vi, đạo đức mà còn nặng về kiến thức đạo đức học hàn lâm", ông Nhạ nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng thừa nhận tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra ở một số địa phương, gây bức xúc, lo lắng cho xã hội. Một bộ phận học sinh có lối sống lệch lạc, thiếu trung thực, vi phạm pháp luật, tham gia tệ nạn xã hội.
Nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và chính quyền các cấp trong chỉ đạo, thực hiện giáo dục đạo đức, văn hoá lối sống còn hạn chế, xem nhẹ giáo dục lễ giáo, đạo đức, lối sống mà tập trung chủ yếu cho các môn văn hoá (dạy chữ).
Một số giáo viên hạn chế về năng lực, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy học, chậm đổi mới; cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống, chưa thể hiện vai trò nêu gương đối với học sinh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục như bạo lực học đường, tiêu cực trong chấm điểm, dạy thêm, học thêm không đúng, học để thu tiền, học để được điểm cao… Từ đó đề ra các biện pháp và tập trung giải quyết những bất cập trong công tác dạy người thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng, ngành giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu, phong trào, đề án liên quan đến giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh như: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Thi đua dạy tốt học tốt”, “Thực hiện năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng”, “Tất cả vì học sinh thân yêu” hay phong trào “Dân chủ - Kỷ cương -Tình thương - Trách nhiệm”…, nhưng “cứ soi vào những khẩu hiệu, phong trào đó thì thấy chúng ta làm chưa tốt”.
“Đơn cử như các trường đổi mới lễ khai giảng với tinh thần “vì học sinh thân yêu”, giữ gìn vệ sinh trường học, đưa các môn thể thao, võ thuật vào trường học… có chuyển biến trong vài năm gần đây nhưng chưa mạnh mẽ. Năm học tới Bộ GD&ĐT phải siết chặt hơn nữa. Phong trào phải thiết thực, tránh hình thức”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, những phong trào giáo dục học sinh cần thiết thực, tránh hình thức. Ông yêu cầu đổi mới phương thức quan trị trong trường phổ thông, với sự tham gia của ban giám hiệu, giáo viên, cộng đồng, phụ huynh, học sinh, chính quyền địa phương.
"Có như vậy học sinh mới ở vị trí trung tâm, được dạy dỗ, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất theo chương trình giáo dục mới", ông nói.