Những sự kiện giáo dục nóng trong tuần qua
Giáo dục - Ngày đăng : 07:45, 24/12/2018
Bộ Công thương chính thức có báo cáo về vụ việc ở ĐH Công nghiệp Hà Nội
Bộ Công thương yêu cầu chấm dứt việc tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên không đảm bảo quy định của pháp luật.
Cụ thể, thông tin phản ánh trên báo chí về nội dung tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên ngoại ngữ tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trong khi đề án, chương trình học bổ sung kiến thức chưa được Hiệu trưởng phê duyệt.
Ảnh nguồn Internet.
Theo như báo cáo của Bộ Công thương, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên ngoại ngữ tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong khi Đề án, chương trình học bổ sung kiến thức chưa được Hiệu trưởng phê duyệt, Trưởng khoa Ngoại ngữ tự quyết định thành lập lớp, sử dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của Nhà trường, đưa ra mức thu không có cơ sở, thu tiền của sinh viên không có phiếu thu, khoản tiền đã thu được quản lý tại Khoa Ngoại ngữ chưa nộp về Nhà trường theo quy định và tự quyết định một số chi phí.
Tổ chức kiểm tra không tuân thủ Quy định của Trường về tổ chức hoạt động đánh giá kết quả học tập sinh viên; việc phát ngôn của một số giáo viên thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhà giáo, Quy chế làm việc của Trường; Lãnh đạo Nhà trường chưa kịp thời kiểm tra, giám sát, không có biện pháp xử lý về các vi phạm trên đã tạo ra dư luận như các phương tiện thông tin báo chí trong thời gian qua đưa tin. Xem chi tiết bài viết tại đây.
Đưa Hiệu trưởng xâm hại học sinh ra khỏi ngành
Trong văn bản số 12287/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc xử lý vụ xâm hại học sinh ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo đưa Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS cơ sở Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, ra khỏi ngành ngay khi có đủ căn cứ về hành vi xâm hại tình dục học sinh.
Ảnh cắt từ clip của VTV.
Các Bộ GD-ĐT; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, đặc biệt các hành vi xâm hại trẻ em; xử lý kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng và công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em. Xem chi tiết bài viết tại đây.
Bộ GD-ĐT yêu cầu xác minh sự việc một giáo viên hiếp dâm học sinh lớp 8
Ngày 21/12, Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị xác minh, báo cáo sự việc một giáo viên Trường THCS Phan Bội Châu (Gia Lai) có hành vi vi phạm đạo đức. Trong văn bản, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ GD-ĐT nói rõ, ngày 21/12/2018 báo chí đưa tin về việc một giáo viên trong Trường THCS Phan Bội Châu, xã In Nan, H.Đức Cơ, Gia Lai có hành vi hiếp đâm học sinh lớp 8, đây là hành vi không chấp nhận được.
Ảnh Tiền Phong.
Bộ GD-ĐT yêu cầu Sở GD-ĐT Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, xác minh và phối hợp với các ban, ngành liên quan xử lý nghiêm minh vụ việc vi phạm đạo đức Nhà giáo nói trên (nếu có). Đồng thời chỉ đạo quán triệt toàn ngành việc tuân thủ các quy định về đạo đức Nhà giáo, về phòng chống bạo lực học đường và các quy định khác của Bộ GD-ĐT đã ban hành. Xem chi tiết bài viết tại đây.
Trường ĐH đầu tiên công bố phương thức tuyển sinh năm 2018
Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) vừa công bố thông tin tuyển sinh dự kiến năm 2019. Theo đó, trường tuyển sinh theo 5 phương thức với tổng chỉ tiêu dự kiến là 1.840.
Cụ thể 5 phương thức xét tuyển của Trường ĐH Kinh tế - Luật như sau:
Ảnh minh họa.
Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh theo quy chế tuyển sinh đai học chính quy năm 2019 của Bộ GD-ĐT (tối đa 5% tổng chỉ tiêu).
Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM (tối đa 20% tổng chỉ tiêu; thí sinh chỉ đủ điều kiện trúng tuyển khi điểm thi THPT quốc gia của ba môn tổ hợp xét tuyển phải từ 21 điểm trở lên).
Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức (tối đa 25% tổng chỉ tiêu).
Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 (50-60% tổng chỉ tiêu). Nhà trường tuyển sinh 38 ngành/nhóm ngành, xét tuyển theo ba tổ hợp: A00, A01, D01;
Xét tuyển dựa trên học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT quốc tế bằng tiếng Anh vào các chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh (tối đa 20% tổng chỉ tiêu của các chương trình này).
Năm học 2019, Trường ĐH Kinh tế - Luật tiếp tục tham gia chương trình tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực Tây Nam bộ và Tây Nguyên, học tại Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM ở Bến Tre một số ngành. Xem chi tiết bài viết tại đây.