Ngày 23/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đi kiểm tra tình hình và các giải pháp ứng phó với lũ lụt tại các tỉnh ĐBSCL.
Đoàn công tác đã đi thị sát, kiểm tra tại một số khu vực trên địa bàn thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể, đoàn đã đi kiểm tra tình hình lũ tại khu vực gần biên giới Campuchia; thăm mô hình chốt cứu hộ cứu nạn tại cầu Cả Chanh, xã Tân Hội, thăm, tặng quà nhân dịp Trung thu tại điểm giữ trẻ tập trung trường mẫu giáo Cần Sen 2, thăm một số hộ dân tại cụm tuyến dân cư vượt lũ Cần Sen 2; kiểm tra điểm sạt lở tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình.
Theo ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai, các địa phương rất chủ động trong triển khai ứng phó với lũ; đã tổ chức họp triển khai đến cấp huyện các giải pháp ứng phó tình huống xảy ra lũ lớn; cử các đoàn công tác xuống các địa phương hướng dẫn, đôn đốc tăng cường thông tin, truyền thông về ứng phó với lũ; hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê bao, bờ bao, an toàn cho người, nhất là trẻ em.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi người dân tại cụm tuyến dân cư vượt lũ Cần Sen 2. - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Lãnh đạo UBND các tỉnh khẳng định, mức lũ tương đương năm 2000 nhưng năm nay về cơ bản các địa phương có thể chủ động điều tiết lũ, giảm thiểu thiệt hại đến sản xuất và đặc biệt là chưa có thiệt hại về tính mạng. Đây là kết quả từ việc ưu tiên đầu tư các công trình phòng chống lũ (đê bao, bờ bao, cụm tuyến dân cư vượt lũ…), điều chỉnh tập quán sản xuất, đồng thời nâng cao cảnh giác, chủ động ứng phó của chính quyền và người dân các địa phương.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được cũng như nỗ lực của các địa phương trong ứng phó với lũ đầu mùa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị không được chủ quan, hết sức chủ động để ứng phó với lũ trong thời gian tới.
Trước dự báo lũ năm nay còn tiếp tục kéo dài, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh vùng đầu nguồn như Đồng Tháp, An Giang, Long An, Kiên Giang cần chủ động đề phòng những diễn biến phức tạp có thể xảy ra, triển khai thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính mạng của người dân, nhất là tính mạng trẻ em, học sinh. Phát huy kinh nghiệm, tiếp tục tổ chức quản lý tốt các điểm trông giữ trẻ tập trung; quản lý việc giao thông trên sông nước, đưa đón học sinh tới trường, tổ chức các điểm cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ kịp thời nhân dân khi xảy ra sự cố, tai nạn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, phải tập trung chủ động di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm; rà soát, nắm tình hình, tổ chức tốt việc cứu trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn bị ngập lụt; đảm bảo chương trình học tập cho học sinh, quản lý, đưa đón học sinh đến trường an toàn, tổ chức học bù cho học sinh tại các vùng ngập lũ ảnh hưởng đến điều kiện học tập.
Đề nghị các địa phương chủ động kinh phí, phương tiện, nguồn lực để bảo vệ các công trình hạ tầng lớn, bảo vệ sản xuất, mùa màng; đảm bảo điều kiện y tế, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân; ngay sau khi lũ rút, xử lý vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh, nhất là bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp.
Đối với diện tích lúa còn chưa thu hoạch được, cần tập trung bảo vệ tối đa, tổ chức hộ đê, bảo vệ bờ bao, hạn chế bị vỡ thêm; tổ chức thu hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sản xuất vụ Đông Xuân (giống, phân bón, bơm tiêu ở một số khu vực để kịp thời vụ).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt diễn biến lũ để chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương, hướng dẫn triển khai các giải pháp ứng phó. Ngành nông nghiệp cũng được yêu cầu tổng hợp thiệt hại do lũ gây ra để kịp thời tham mưu cho Chính phủ hướng xử lý; phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát đề xuất chính sách di dời dân cư khu vực sạt lở ven sông, kênh rạch; hỗ trợ người dân vùng ngập lũ xây dựng sàn nhà (nhà trên cọc) vượt lũ; khẩn trương triển khai quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai khu vực đồng bằng sông Cửu Long để chủ động ứng phó với lũ, bão..
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tăng cường công tác dự báo, nhận định về diễn biến lũ sát thực tế để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp được kịp thời, hiệu quả.
Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn - Bộ Quốc phòng chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương triển khai hộ đê, sơ tán dân; Bộ Công an chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh tại khu vực bị ảnh hưởng, sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó với lũ; Bộ Y tế rà soát phương án đảm bảo phòng chống dịch bệnh phát sinh mùa nước nổi.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành có liên quan đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long cần phát triển theo hướng “thuận thiên”.
“Phải tập trung tái cấu trúc kinh tế, đổi mới sản xuất, mô hình tăng trưởng. Các địa phương phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương rà soát lại các quy hoạch, trong đó đặc biệt chú ý quy hoạch bố trí lại dân cư, quy hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm… để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, cân đối nguồn lực và thời gian, tiến độ triển khai có hiệu quả”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra công trường và làm việc với Bộ GTVT, chủ đầu tư, đơn vị thi công tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, mục tiêu đặt ra cho Bộ GTVT, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công là hoàn thành tuyến đường đúng tiến độ vào năm 2020. Tuy nhiên thời gian qua, việc đầu tư tuyến đường đang có dấu hiệu chậm tiến độ, xuất hiện các khó khăn, vướng mắc.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ GTVT tìm cách tháo gỡ khó khăn về lãi suất cho phù hợp với thực tế, tính toán chính xác, đầy đủ, trình Chính phủ xử lý.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND các địa phương trong khu vực tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ về nguồn cung cấp vật liệu cát cho dự án này và các dự án trọng điểm ngành GTVT khác trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu UBND Tiền Giang phối hợp với doanh nghiệp dự án đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 10/2018, đáp ứng tiến độ thi công các hạng mục công trình.