Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn: Một số quy định trong Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL chưa phù hợp với thực tiễn

Mai Thoa (thực hiện)| 15/11/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là đạo luật rất quan trọng, là nền tảng pháp lý cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, một số những quy định trong Dự án Luật liên quan đến thẩm quyền ban hành Thông tư của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC còn chưa phù hợp.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ĐB Quốc hội Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, Dự án Luật Ban hành VBQPPL trình Quốc hội lần này, đa số ý kiến cho rằng, có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Ông thấy vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Sơn: Sau khi nghiên cứu Dự án Luật Ban hành VBQPPL, về cơ bản, chúng tôi nhất trí với nhiều nội dung của Dự án Luật. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cụ thể về hệ thống văn bản pháp luật, về hình thức và thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật, tôi cho rằng chưa phù hợp.

Theo nội dung quy định tại Điều 3, Dự thảo Luật thì Chánh án TANDTC không có thẩm quyền ban hành Thông tư để quy định các biện pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Chúng tôi cho rằng, quy định như Dự thảo là chưa phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của TAND cũng như định hướng hoàn thiện thẩm quyền của Chánh án TANDTC theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2002 và Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về điều này được không?

Ông Nguyễn Sơn: Tại Điều 3 và Điều 19 Dự thảo Luật quy định: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được ban hành Thông tư để quy định chi tiết thi hành Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; về biện pháp để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề khác do Chính phủ giao.

Đối chiếu quy định này với những chức năng, nhiệm vụ của Chánh án TANDTC, có thể thấy rằng: Thứ nhất, Chánh án TANDTC là người được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ của TAND và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện các nhiệm vụ đó, trong đó có nhiệm vụ quản lý thống nhất công tác tổ chức xét xử của các TAND. Việc không giao cho Chánh án TANDTC thẩm quyền ban hành Thông tư để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ quản lý các Tòa án về mặt tổ chức, tổ chức công tác xét xử và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền sẽ dẫn tới, Chánh án thiếu đi công cụ cần thiết, biện pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ quản lý của mình, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, điều đó là không hợp lý và thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn: Một số quy định trong Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL chưa phù hợp với thực tiễn

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn

Thứ hai, theo tinh thần quy định tại Điều 105 Hiến pháp năm 2013 thì Chánh án TANDTC do Quốc hội bổ nhiệm, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Quốc hội giao thì việc Chánh án TANDTC quy định các biện pháp để quản lý thống nhất trong toàn hệ thống TAND bằng một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, được áp dụng trong phạm vi cả nước là cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Thông tư của Chánh án TANDTC là công cụ pháp lý quan trọng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao bởi đây là hình thức văn bản quy phạm đặc phù, phục vụ cho công tác quản lý một lĩnh vực đặc thù là TAND.

Thứ ba, hiện nay trong nhiều Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành như Luật Tổ chức TAND năm 2002, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Phá sản năm 2014… có quy định trong một số điều luật, giao cho Chánh án TANDTC thẩm quyền quyết định, quy định một số nội dung cụ thể. Để thực hiện thẩm quyền được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao thì Chánh án TANDTC không thể không ban hành văn bản pháp luật để quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành các điều luật này.

PV: Trong Tờ trình Dự án Luật Ban hành VBQPPL có nêu lý do bỏ thẩm quyền này là: “... Từ năm 2009 đến nay, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC rất ít ban hành Thông tư”, theo ông như vậy có phù hợp không?

Ông Nguyễn Sơn: Tôi cho rằng, lý do này là không đúng với thực tiễn thực hiện thẩm quyền ban hành Thông tư của Chánh án trong thời gian qua. Trong gần 70 năm hình thành và phát triển của TAND, Chánh án TANDTC đã ban hành một số lượng lớn các Thông tư vừa để quản lý, tổ chức các TAND, Tòa án quân sự, vừa hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Kết quả giải quyết các loại vụ việc tại TAND đã chứng minh rằng, hiệu quả thiết thực của những văn bản do Chánh án TANDTC ban hành.

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện thẩm quyền ban hành Thông tư của Chánh án TANDTC không gặp khó khăn, vướng mắc mà ngược lại đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Do đó, chúng tôi đề nghị trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục quy định trong Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL về hình thức văn bản và thẩm quyền ban hành Thông tư của Chánh án TANDTC.

Chính vì những lý do trên, chúng tôi đề nghị giữ lại quy định về thẩm quyền ban hành Thông tư của Chánh án TANDTC trong Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL.

PV:  Dự thảo Luật quy định về hình thức Thông tư liên tịch giữa Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có phù hợp không, thưa ông?

Ông Nguyễn Sơn: Về vấn đề này, chúng tôi đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Bởi vì pháp luật quy định Tòa án, Viện kiểm sát và Chính phủ là các cơ quan độc lập với nhau trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án hình sự, dân sự, hành chính đã và đang phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp mà Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa điều chỉnh nên cần thiết phải có sự hướng dẫn áp dụng pháp luật để các cá nhân, cơ quan, tổ chức áp dụng thống nhất.

Trong nhiều trường hợp, việc phối hợp cùng xây dựng một văn bản pháp luật chung giữa TAND, VKSND và Chính phủ để quy định những nội dung phối hợp giữa các Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án là cần thiết, để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan này trong quá thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản dưới hình thức liên tịch đồng thời sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc soạn thảo, xây dựng và cho ý kiến đối với văn bản vì các cơ quan tham gia cùng chịu trách nhiệm về nội dung của văn bản được ban hành. Việc Dự thảo Luật quy định theo hướng chỉ một cơ quan ban hành và lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan sẽ làm giảm tinh thần và trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng văn bản của các cơ quan có liên quan. Từ đó, chất lượng văn bản của một cơ quan được giao sẽ có những ảnh hưởng nhất định

Tại điểm a, Mục 2, Phần V Tờ trình Dự án Luật đánh giá: “Trong trường hợp cần thiết sau này, TANDTC, VKSNDTC vẫn có thể đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết các Luật, Bộ luật tố tụng mà không nên tiếp tục ban hành Thông tư liên tịch sẽ làm phức tạp hóa hình thức, trình tự, thủ tục ban hành loại văn bản này” là chưa khách quan, toàn diện.

Thực tiễn ban hành VBQPPL liên tịch giữa TANDTC với VKSNDTC và các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ cho thấy, việc ban hành văn bản pháp luật liên tịch sẽ giúp giảm chi phí tuân thủ, thực hiện; thủ tục xây dựng đơn giản và nhanh hơn; đồng thời giúp cho hoạt động của các cơ quan tham gia xây dựng hiệu quả hơn. Mặt khác, việc Ban soạn thảo đề xuất phương án đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết trong bối cảnh nước ta hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quá tải trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, thông qua việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản liên tịch giữa TANDTC với các cơ quan hữu quan đã góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Các văn bản liên tịch này đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, giúp các cơ quan hữu quan thực hiện đúng vị trí, vai trò của mình trong hoạt động tố tụng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn: Một số quy định trong Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL chưa phù hợp với thực tiễn