Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai về Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2

Mạnh Hùng| 09/01/2018 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (9/1), ngày làm việc thứ 2 của phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng cùng 21 đồng phạm tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.

Sau khi cách ly hai bị cáo từng là thuộc cấp của Trịnh Xuân Thanh là Vũ Đức Thuận (sinh năm 1971), nguyên Tổng giám đốc PVC và Nguyễn Mạnh Tiến (sinh năm 1966), nguyên Phó tổng giám đốc PVC, HĐXX đã tiến hành xét hỏi bị cáo Thanh.

Theo đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai, nhiệm vụ của bị cáo là chỉ đạo đơn vị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm; thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của Tổng Công ty; tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên và bổ nhiệm từ cấp trưởng phòng trở lên.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai về Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (Ảnh: Hải Đăng)

Bị cáo cũng cho biết, thời điểm 2011, tình hình tài chính của PVC theo báo cáo kiểm toán là có lãi. PVC lên sàn từ 2009, từ 2009 -2011 PVC vẫn có lãi nhưng đã tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Mức vốn đầu tư vào các công ty con tại thời điểm 2011 vượt so với vốn điều lệ 2.500 tỷ của PVC. Cụ thể là trên 3.000 tỷ đồng. Lý do là thực hiện quyết định tái cơ cấu của Thủ tướng Chính phủ. PVC là một trong 5 ngành nghề chính của PVN thực hiện dịch vụ thi công xây lắp, PVN chuyển một số đơn vị như bất động sản của PVFC, PV Power,… về PVC.

Khi chuyển về PVC các đơn vị trên không có vốn mà chuyển nợ từ nguồn vốn đã góp từ trước nên PVC không đủ vốn và phải nợ vốn. Trước đó PVC chỉ vay để sản xuất kinh doanh, nhưng sau khi các đơn vị chuyển về thì Tập đoàn PVN đã quyết định cho PVC được vay của OceanBank. Tập đoàn cũng quyết định tăng vốn điều lệ năm 2011 lên 4.500 tỷ đồng. PVN đã duyệt kế hoạch tăng vốn này, trong đó có nguồn tiền để trả nợ, nhưng vì không thực hiện được tăng vốn theo lộ trình nên dẫn đến việc số tiền đầu tư vượt trội.

Theo bị cáo Thanh, PVC vay OceanBank hơn 700 tỷ đồng cùng các khoản nợ khác cộng lại khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

PVC là đơn vị thi công, mặc dù biết là không có đủ năng lực làm tổng thầu EPC nhưng tại thời điểm đó cả nước chỉ có Lilama và PVC may ra có khả năng làm tổng thầu.

“PVN và anh Thăng mong muốn đẩy nhanh tiến độ Nhiệt điện Thái Bình 2 nên chỉ đạo tìm kiếm đối tác nước ngoài liên danh với PVC làm tổng thầu. Bản chất của vấn đề là PVC thuê các chuyên gia nước ngoài thực hiện dự án.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai về Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2

Ảnh: Hải Đăng

Khi PVC mất cân đối, một đơn vị xây lắp nhận được một dự án là điều rất tốt, vừa có công ăn việc làm lại vừa có thêm kinh nghiệm. Mặc dù bị cáo biết đây là dự án lớn, năng lực của PVC có thể chưa đảm đương được nhưng PVC có chỉ đạo thuê tư vấn nước ngoài”- bị cáo Thanh nói.

Bị cáo Thanh cho rằng, tại thời điểm đó những công trình PVN giao cho PVC làm đều rất thuận lợi. Khi triển khai đều phải có tiền, có kế hoạch rõ ràng, gần như thanh toán rất tốt. Cho nên thuận lợi nhiều hơn khó khăn.

Những công ty con của PVC thua lỗ phần lớn là do đầu tư vào bất động sản. Thời điểm đó, 30 triệu/m2 sàn giữa trung tâm Nghệ An hạ xuống còn 10 triệu/m2 không ai mua. PVN chuyển những đơn vị đó về PVC Nghệ An. Mọi thua lỗ, khó khăn tài chính chủ yếu do bất động sản.

Trịnh Xuân Thanh khai, khi PVC được giao dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, PVN yêu cầu khởi công trong quý 1/2011 nhưng thời gian rất ngắn nên không kịp.

“Trong các phiên họp với PVN bị cáo nhớ là lãnh đạo PVN vẫn quyết định khởi công đúng kế hoạch. Những hồ sơ giấy tờ chưa hoàn thiện thì bổ sung sau.

Với tinh thần đó PVC đề xuất tháng 4-5/2011 là nhanh nhất mới có thể hoàn thiện hồ sơ, nhưng Tập đoàn vẫn quyết định khởi công và PVC đã triển khai.

Toàn bộ Hợp đồng 33 không có phụ lục, bị cáo nhận trách nhiệm Ban TGĐ trình lên”-bị cáo nói.

HĐXX cho bị cáo Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC lên đối chất:  

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai về Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2

Bị cáo Phạm Tiến Đạt (Ảnh: Hải Đăng)

Theo bị cáo Đạt, tiền của dự án nào phải được sử dụng ở dự án đó, tuy nhiên do mất cân đối vốn nên buộc phải chiếm dụng nguồn vốn từ các nguồn tiền khác. Bị cáo chỉ thực hiện theo quyết định của Chủ tịch HĐQT và TGĐ. Bị cáo nói rằng như thế là sai nguyên tắc nhưng sau đó phải hoàn trả.

“Buổi họp giao ban nào bị cáo cũng báo cáo tình hình sử dụng vốn. Các cuộc họp này có Chủ tịch, Tổng giám đốc, các Phó TGĐ. Khi bị cáo báo cáo tài chính mất cân đối và phải sử dụng nguồn vốn của Nhiệt điện Thái Bình 2 tại các cuộc họp giao ban nhưng không thấy các anh ấy có ý kiến gì.

Khi góp vốn vào 5 công ty con, bị cáo đã thực hiện Nghị quyết HĐQT, 5 công ty đó gồm: PVC-MC, PVC Mekong, PVC Hòa Bình, PVC Thái Bình, và PVC Khách sạn Lam Kinh. Không có nguyên tắc nào cho vay rồi đi góp vốn, vì vậy không có cách nào khác là phải chiếm dụng vốn”-Đạt nói.

Sau phần thẩm vấn bị cáo Đạt, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Thanh. Bị cáo Thanh nói: “Anh Đạt nói có phần đúng”. Tuy nhiên cựu Chủ tịch PVC cho rằng Tổng giám đốc và kế toán có trách nhiệm báo cáo xem Nghị quyết đúng hay sai.

Trịnh Xuân Thanh khai bị cáo nhận thức việc sử dụng là sai. “Thời điểm đó anh Đạt rất bức xúc, lên phòng bị cáo gần như là khóc. Bị cáo báo cáo HĐQT về việc sử dụng sai và có văn bản yêu cầu các dự án dùng đúng tiền…

Khi đó kinh tế khó khăn nên có những vấn đề chưa thực hiện được. Nhưng bị cáo không bao giờ chỉ đạo dùng sai nguồn tiền. Bị cáo thấy trách nhiệm của mình trong việc không đọc kỹ Hợp đồng số 33”, Thanh khai tại tòa.

Sau khi trả lời, bị cáo Thanh tiếp tục được cách ly.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai về Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2