Thông tin chi tiết về kế hoạch nói trên được ông Ashton Carter thông báo khi ở Berlin, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu từ ngày 21/6 - 26/6.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter
Hôm qua (22/6), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Mỹ sẽ cung cấp vũ khí, máy bay và binh sĩ cho lực lượng phản ứng nhanh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để giúp đỡ các nước châu Âu nhằm chống lại “những mối đe dọa an ninh” - theo cách gọi của Washington, Sputnik đưa tin này 23/6.
Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng các khả năng tình báo và trinh thám, các lực lượng hoạt động đặc biệt, máy bay vận tải, và hỗ trợ một loạt vũ khí, có thể bao gồm máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, và tên lửa phóng từ chiến hạm, theo AP.
Thông tin chi tiết về kế hoạch nói trên được ông Ashton Carter thông báo khi ở Berlin, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu từ ngày 21/6 - 26/6, nhằm trấn an đồng minh cùng các nước khu vực Baltic.
Tuy vậy, hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về số lượng binh sĩ sẽ tham gia (lực lượng phản ứng nhanh của NATO ở châu Âu). Song nhiều lính Mỹ theo cam kết sẽ gia nhập các lực lượng đến từ Đức, Na Uy và Hà Lan - ba quốc gia đồng ý cung cấp những binh sĩ đầu tiên cho Lực lượng đặc nhiệm có tính sẵn sàng chiến đấu cao (VJTF).
Việc triển khai binh sĩ và trang thiết bị quân đội Mỹ sẽ không tiến hành ngay lập tức. Thay vào đó, trong tình huống xảy ra khủng hoảng, nếu có yêu cầu, và được các nhà lãnh đạo Mỹ thông qua, binh sĩ và trang thiết bị sẽ “có mặt” trong vòng từ 48 - 72 giờ, AP dẫn lời ông Carter cho biết.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, hiện Mỹ đóng góp viện trợ “vì Washington đã cam kết chặt chẽ trong việc phòng thủ của châu Âu, như từng làm trong nhiều thập kỷ qua”.
Mặc dù Mỹ có kế hoạch mở rộng lực lượng ở Đông Âu, song ông Carter khẳng định, Washington không tìm cách xung đột với Liên bang Nga. “Chúng tôi không muốn có Chiến tranh lạnh, huống chi là chiến tranh nóng với Nga. Chúng tôi không muốn biến Nga thành kẻ thù”, ông Carter tuyên bố.
Phương Tây từ lâu cáo buộc Nga can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ukraine và gây ra mối đe dọa đối với các láng giềng châu Âu. Moscow nhiều lần bác bỏ cáo buộc này và thay vào đó cho rằng, chính Washington mới khiến Ukraine rơi vào tình trạng bất ổn.