Một ngày, 800 phụ nữ chết do thai nghén hoặc sinh đẻ

Đắc Chuyên| 19/05/2016 10:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỗi ngày có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân liên quan đến thai nghén hoặc sinh đẻ và gần 3 triệu trẻ sơ sinh chết trong vòng 1 tuần sau khi sinh.

Đây là thông tin được chia sẻ tại Lễ trao giải “Midwies4all” cho bà Phan Thị Hạnh, Chủ tịch Hội nữ Hộ sinh Việt Nam vào chiều ngày 18/5, tại Hà Nội do Bộ Ngoại giao Thụy Điển trao tặng.

Bà Phan Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Việt Nam - người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng “Midwies4all” do có những cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực nữ hộ sinh, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh Việt Nam cho biết, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân liên quan đến thai nghén hoặc sinh đẻ và gần 3 triệu trẻ sơ sinh chết trong vòng 1 tuần sau khi sinh.

Một ngày, 800 phụ nữ chết do thai nghén hoặc sinh đẻ

Một ngày, 800 phụ nữ chết do thai nghén hoặc sinh đẻ. Ảnh minh họa

90% những ca tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển, nơi thiếu các phương tiện đi lại, thiếu sự tiếp cận với các bác sĩ sản khoa, những hộ sinh có kinh nghiệm và đặt biệt là thiếu các hệ thống chăm sóc sản khoa thiết yếu.

Chính vì thế, khắp nơi trên thế giới nhất là ở những vùng xa xôi vẫn tiếp tục có những cái chết liên quan đến thai nghén hay sinh đẻ do thiếu sự tiếp cận các dịch vụ y tế và đặc biệt là nữ hộ sinh.

Bà Phan Thị Hạnh khẳng định, người hộ sinh đóng vô cùng vai trò quan trọng trong nguồn lực của hệ thống y tế. Họ là lực lượng chủ chốt trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh bên cạnh các bác sĩ sản khoa. Ở những nơi xa xôi, nơi không có các bác sĩ sản khoa, người hộ lý đóng vai trò quyết định đối với tình mạng của bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Tại Việt Nam, khoảng 70% phụ nữ sinh sống ở các vùng nông thôn, họ phải gánh vác những công việc nặng nhọc quanh năm, tất bật với cuộc sống gia đình, ít có điều kiện học hành, sinh nhiều con trong khi thiếu hiểu biết cơ bản về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiến thức bảo vệ thai nhi nên thường gặp nhiều tai biến trong lúc mang  thai cũng như sinh đẻ.

Còn các em gái ở lứa tuổi vị thành niên do e ngại, mặc cảm tự ti, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản nên nhiều em dã mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục kể cả HIV/AIDS.

Đó là nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe sinh sản của phụ nữ và vị thành niên, đặc biệt là phụ nữ và vị thành niên sống ở vùng nông thôn và những vùng xa xôi ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản.

Nhằm giảm thiểu hậu quả do việc thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản, năm 1995, Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam và các ban ngành liên quan đã thành lập Hội nữ Hộ sinh Việt Nam do Bà Phan Thị Hạnh làm Chủ tịch. Từ đó Hội nữ Hộ sinh Việt Nam đã hình thành một mạng lưới nữ hộ sinh công tác ở các cơ sở y tế từ thành thị đến nông thôn.

Từ năm 1995 đến nay, Hội Nữ hộ sinh Việt Nam đã tổ chức nhiều lớp đào tạo lại cho hằng trăm nữ hộ sinh đang công tác ở những vùng sâu, vùng xa nhằm giúp họ cập nhật kiến thức và kỹ năng để phục vụ tốt hơn cho cộng đồng.

“Chúng tôi đã cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản cho hàng ngàn phụ nữ, vị thành niên, thanh niên nghèo ở cũng vùng khó khăn. Đặc biệt cũng tôi cũng xây dựng nên mô  hình chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện cho chị em phụ nữ, thanh niên, vị thành niên ở khu vực nghèo của thành phố và các vùng nông thôn”, bà Phan Thị Hạnh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một ngày, 800 phụ nữ chết do thai nghén hoặc sinh đẻ