Mô hình này được triển khai từ đầu tháng 2-2012, nhằm liên kết khai thác và tiêu thụ hải sản. Tuy nhiên, hiện nay mô hình đang gặp nhiều khó khăn do sự bất đồng giữa ngư dân và doanh nghiệp.
Đây là mô hình với sự phối hợp giữa Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hoà, Hội nghề cá, Hiệp hội cá ngừ đại dương, Công ty Cổ phần thuỷ sản Hải Vương (tỉnh Thanh Hoá) và 6 ngư đội gồm 30 tàu con của ngư dân khai thác trên vùng biển Trường Sa.
Theo đó, tàu Hải Vương 68 của Công ty Hải Vương với công suất 1.200CV, được trang bị hệ thống làm lạnh cấp tốc ở âm 60oC làm tàu mẹ thu mua, sơ chế, bảo quản cá ngừ ngay trên biển để đưa vào bờ tiêu thụ. Đồng thời, tàu mẹ còn có nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm... để tàu con tiếp tục bám biển dài ngày. Theo các ngư dân, mô hình này nếu vận hành tốt sẽ giúp ngư dân tiết kiệm được đến 70% nhiên liệu, tăng thời gian bám biển thêm mười ngày. Tuy nhiên, ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội nghề cá Khánh Hòa cho hay, mô hình này đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Mai Thanh Phúc – một chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương đánh giá, mô hình này rất có lợi cho ngư dân, tuy nhiên ông Phúc cũng ngán ngẩm bởi cách thu mua của tàu Hải Vương 68. Ông Phúc cho biết, triển khai mô hình được 5 ngày, đã có một số tàu bán cá cho tàu Hải Vương 68. Thế nhưng, khi tàu ông Phúc chạy đến tàu Hải Vương 68 định bán cá thì biết rằng giá thu mua chỉ còn 150.000 đồng/kg trong khi giá trên bờ là 180.000 đồng/kg. Vì vậy ông quyết định vào bờ bán với giá cao hơn. Cũng theo ông Phúc, tàu Hải Vương 68 hàng ngày chỉ thu mua được 4 tấn, trong khi 6 ngư đội (30 tàu) ít nhất cũng đánh bắt hơn 20 tấn. Các tàu không thể “chầu chực” chờ đợi tàu Hải Vương để bán.
Tàu Hải Vương 68
Theo ông Lăng, Công ty Hải Vương lỗ tới 2 tỷ đồng. Mua bán thông qua hợp đồng kinh tế, hai bên đều có lợi, nhưng với kiểu thu mua mà ngư dân không muốn “nhường một bước” thì rất khó. Doanh nghiệp cũng không mặn mà tiếp tục duy trì việc thu mua. Ông Lăng cho biết, muốn doanh nghiệp mua có lãi thì giá cá trên biển phải thấp hơn giá cá trên bờ 35 - 40.000 đồng/kg. Thế nhưng, Hải Vương buộc phải mua cá của ngư dân với giá 175.000 đồng/kg, đành chịu lỗ bởi đã lỡ nhập cá vào hầm. Ngoài ra, việc thu mua cá trên biển cũng gặp nhiều khó khăn do năng lực của tàu, sức chứa thấp, hầm lạnh liên tục gặp trục trặc, tàu con phải chờ đợi nhiều ngày mới bán được sản phẩm.
Một nguyên nhân quan trọng nữa, Công ty Cổ phần thủy sản Hải Vương lâu nay ký với đối tác là sản phẩm cá phi-lê xuất khẩu, nhưng nay mua sản phẩm ăn tươi trực tiếp nên giá cá khó chấp nhận; cũng chính điều này làm cho sức chứa của tàu không đáp ứng đủ. Về phía ngư dân, lâu nay ngư dân và chủ tàu đã có sự ăn chia, vay vốn, ứng vốn của các đầu nậu nên rất khó chấp nhận giá bán thấp, mặc dù biết rằng chi phí vào bờ mất tới 70% chi phí chuyến biển.
Ông Lăng cho biết: Hiện nay tàu mẹ Hải Vương 68 đã tạm ngừng mua cá của các ngư đội. Nguyên nhân chủ yếu là do tàu mẹ và tàu con bất đồng về giá cá mua vào “Doanh nghiệp này chỉ có lời khi mua cá với giá 140.000 - 150.000 đồng/kg, trong khi giá cá mà công ty mua cho ngư dân hơn 175.000 đồng/kg ngay trên biển” - ông Lăng nói.
Theo ông Lê Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Hải Vương, ngư dân cần phải nhìn xa hơn để lựa chọn giữa hai phương án: Chịu chi phí xăng dầu cao hơn 70% để tàu liên tục chạy vào bờ để bán được một số cá tươi loại 1 với giá cao (chưa tính sẽ có một số cá bị dạt xuống loại 2). Hai là, hợp tác với tàu mẹ bám biển dài ngày, tiết kiệm được 70% chi phí xăng dầu và bán được cá với giá thấp hơn giá bờ khoảng 16 - 20%.
Hiện tại, Sở NN&PTNT và Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hoà chưa tìm ra biện pháp can thiệp nhằm điều chỉnh và kết nối mối quan hệ giữa “tàu mẹ và tàu con”.
Hoàng Thiên Lý