Việc mạng Wi-Fi phủ sóng ở khắp mọi nơi có thể khiến bạn suy nghĩ rằng nó sẽ gây hại đến sức khỏe chúng ta. Nhưng liệu có thật như vậy?
Mạng không dây (Wi-Fi) hiện đang rất phổ biến, xuất hiện gần như khắp mọi nơi, từ gia đình, nơi làm việc, trường học, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, công viên, thư viện… bất cứ nơi nào bạn có thể nghĩ đến.
Mạng Wi-Fi hiện đang được phát ở khắp mọi nơi khiến người dùng lo ngại đến sức khỏe
Wi-Fi là từ viết tắt của Wireless Fidelity - một hệ thống mạng không dây, sử dụng sóng vô tuyến, giống như sóng điện thoại di động hay trên truyền hình và radio. Với việc Wi-Fi đang bao phủ xung quanh, có nghĩa là bạn đang tiếp xúc với các bức xạ của tần số vô tuyến (RF) mà nó phát ra.
Điều này khiến nhiều người lo lắng rằng, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mà cụ thể là gây bệnh ung thư, giống như những nghiên cứu gần đây nói rằng, tác hại của sóng điện thoại có thể làm phát triển các khối u gây ung thư cho cơ thể con người.
Vấn đề này đã tạo ra mối quan tâm đến các nhà nghiên cứu y học, viện nghiên cứu và các tổ chức môi trường để đưa ra lời giải thích rõ ràng nhất. Một điều có thể khích lệ từ các nghiên cứu này nói rằng, sự phụ thuộc vào Wi-Fi có thể không đặt chúng ta vào các mối nguy hiểm.
Có hai loại nghiên cứu kiểm tra bức xạ tần số vô tuyến liên quan đến mạng không dây (cũng như bức xạ tần số vô tuyến phát ra từ các thiết bị khác, như điện thoại di động và lò vi sóng), bao gồm quan sát tỷ lệ ung thư của con người và ảnh hưởng đến động vật trong phòng thí nghiệm.
Các nghiên cứu quan sát tỷ lệ ung thư của con người đã không tìm thấy sự tương quan giữa người có nguy cơ cao giả định (chẳng hạn như những người có công việc liên quan đến làm việc xung quanh nơi có bức xạ vô tuyến) và nguy cơ gây ung thư thực tế. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng đã không tìm thấy mối liên hệ giữa bức xạ vô tuyến với ung thư, mặc dù một số nghiên cứu đã quan sát thấy dấu vết về sự thay đổi sinh học có thể (theo lý thuyết) liên quan đến ung thư.
Bởi vì bằng chứng không rõ ràng nên các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, nhiều nhóm và tổ chức về sức khỏe cộng đồng và môi trường tin rằng, việc tiếp xúc với tần số vô tuyến từ Wi-Fi phát ra khó có thể gây ra một mối nguy hiểm gây ung thư.
Lý do khiến bức xạ tần số vô tuyến do Wi-Fi tạo ra không nguy hiểm là vì chúng là một loại tần số thấp, bức xạ không bị ion hóa, có nghĩa là các bức xạ không đủ mạnh để làm biến đổi các phân tử, do đó không có khả năng gây thiệt hại cho cơ thể chúng ta trên một cấp độ tế bào. Đó là chưa kể, công suất mà bức xạ tần số vô tuyến tạo ra từ những thành phần phát Wi-Fi đặc biệt nhỏ, chỉ vào khoảng 0,1 watt, các tín hiệu thậm chí còn thấp hơn so với những gì được phát ra từ điện thoại của chúng ta.
Nếu muốn bảo vệ sức khỏe, hãy tắt mạng Wi-Fi khi không sử dụng và chuyển điện thoại về chế độ máy bay, đặc biệt khi ngủ
Với những bức xạ có tần số vô tuyến cao hơn, chẳng hạn như tạo ra từ máy phát tia X, tia gamma và tia cực tím có thể bị ion hóa và gây thiệt hại cho sức khỏe của con người và động vật.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cũng nói thêm rằng, việc ngồi gần nguồn phát Wi-Fi có thể gây tình trạng mệt mỏi, căng thẳng do phải tiếp xúc đến sóng vô tuyến. Trong khi một số nguyên cứu thì cho rằng, Wi-Fi có thể khiến “tinh binh” của các đấng mày râu bị chết yểu, đặc biệt khi đặt laptop có kết nối Wi-Fi trên đùi.
Nếu bạn vẫn lo ngại về nguy cơ ung thư tiềm ẩn từ tất cả các bức xạ tần số vô tuyến, bạn có thể thực hiện những bước làm giảm việc tiếp xúc của mình, chẳng hạn như tắt mạng Wi-Fi ở nhà khi không sử dụng, thiết lập tablet hoặc smartphone về chế độ Air Mode khi không sử dụng để duyệt web, và sử dụng chức năng loa ngoài hoặc tai nghe khi nói chuyện trên điện thoại di động.