Trên tinh thần NQ 19-NQ/TW Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Luật Đất đai 2013 đã thể chế, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng về chính sách, pháp luật đất đai của Đảng.
Đồng thời đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đa số tầng lớp nhân dân. Trong đó, những quy định mới của Luật sẽ khắc phục những bất cập trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai.
Trong những năm gần đây tranh chấp đất đai diễn biến rất phức tạp. Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện tại TAND các cấp liên quan đến lĩnh vực đất đai luôn chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai ở một số địa phương vẫn chưa thật sự nhận được sự đồng tình của người dân, dẫn đến nhiều vụ việc phải giải quyết kéo dài, qua nhiều cấp khác nhau; nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên và đã có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn chưa được thi hành.
Sau 10 năm thi hành Luật Đất đai 2003 thì quy định của Luật đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập như UBND là cơ quan hành chính nhà nước nhưng lại phải đồng thời làm nhiệm vụ của cơ quan giải quyết tranh chấp (theo thống kê của các cơ quan nhà nước thì hàng năm có khoảng 70% đơn thư khiếu nại, khiếu kiện đến UBND là các vụ việc liên quan đến đất đai). Bên cạnh đó, việc trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho UBND vừa là cơ quan quản lý, vừa thực hiện giải quyết tranh chấp sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu khách quan, công bằng trong quá trình giải quyết, đặc biệt trong trường hợp tranh chấp có liên quan từ các quyết định hành chính của cơ quan hành chính. Hoặc việc giải quyết tại UBND không được tiến hành theo một quy trình tố tụng và đánh giá chứng cứ một cách toàn diện như việc giải quyết tại Tòa án, dẫn đến kết quả giải quyết thiếu tính thuyết phục. Nhiều trường hợp, UBND giải quyết nhưng các bên không đồng ý, sau đó lại khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Hiệu lực thi hành của quyết định giải quyết được UBND ban hành không cao bằng hiệu lực thi hành của bản án, quyết định của Tòa án v.v...
Luật Đất đai 2013 quy định theo hướng tăng cường sự giám sát của cơ quan Nhà nước và người dân trong quản lý, sử dụng đất đai
Ngày 29/11/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Đất đai năm 2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, đã mở rộng hơn nữa quyền của công dân trong việc yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai, khi các bên sử dụng đất mâu thuẫn, không thống nhất với nhau trong quá trình sử dụng đất.
Để tăng cường trách nhiệm trong công tác hòa giải các tranh chấp về đất đai, Luật mới đã quy định rõ Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Thời hạn hòa giải được nâng lên thành 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”. Hòa giải trong trường hợp này là tự nguyện. Trong trường hợp “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải” (Khoản 2 Điều 202) và đây là thủ tục hòa giải bắt buộc.
Theo đó, tại Khoản 3, 4, 5 Điều 202 thì hòa giải theo thủ tục này được quy định như sau: Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai; việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp…
Đặc biệt, Luật Đất đai 2013 bổ sung thêm thẩm quyền giải quyết của TAND đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà các đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một điểm mới khác là quy định tại Khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013, theo đó trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước cấp trên hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định theo hướng tăng cường hơn sự theo dõi, giám sát, đánh giá của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân về việc quản lý và sử dụng đất đai, giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
Điều 199 quy định về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất. Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện phản ánh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến các cơ quan có thẩm quyền. Luật cũng đã quy định cụ thể về nội dung, hình thức giám sát của công dân, trách nhiệm của các tổ chức đại diện của công dân, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được ý kiến của công dân và các tổ chức đại diện.
Luật cũng quy định về hệ thống theo dõi, đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất để đánh giá việc thi hành pháp luật đất đai, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, sự tác động của chính sách, pháp luật đất đai đến kinh tế, xã hội và môi trường trên phạm vi cả nước và các địa phương (Điều 200).
Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai (Điều 208); quy định xử lý trách nhiệm của người thực thi công vụ vi phạm pháp luật đất đai và người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra vi phạm pháp luật đất đai (Điều 207).
Quy trình thực hiện thanh tra cũng đã được Luật Đất đai 2013 quy định thống nhất theo pháp luật về thanh tra, thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai được tăng lên là 45 ngày (tăng 15 ngày so với Luật cũ).